Site stats Biến chủng Delta – nguyên nhân gây ra làn sóng Covid-19 mới! – Brain Berries

Biến chủng Delta – nguyên nhân gây ra làn sóng Covid-19 mới!

Advertisements

Được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, biến chủng Delta đã nhanh chóng lây lan ra khắp thế giới và tạo nên làn sóng Covid-19 mới trên phạm vi toàn cầu. Tốc độ lây lan nguy hiểm và khả năng tàn phá sức khỏe của biến thể này đang khiến cả thế giới lo ngại và “gồng mình” chống chọi với đợt tăng số ca nhiễm mới, trong đó có cả Việt Nam. 

  1. Biến chủng Delta nguy hiểm như thế nào?

Biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 có tên khoa học là B.1.617.2, được phát hiện lần đầu vào tháng 12/2020 tại Ấn Độ. Đây là chủng virus được WHO đánh giá là đặc biệt nguy hiểm, “nhanh nhất và mạnh nhất” từ trước đến nay. Nhiều nghiên cứu cho thấy, biến chủng Delta còn khiến những người trẻ, khỏe mạnh đối mặt với nguy cơ biến chứng tim mạch, đặc biệt làm tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm đối tượng này. Trong khi đó, ở bệnh nhi còn xuất hiện các triệu chứng nặng hơn thể virus ban đầu như suy hô hấp nặng, thậm chí phải đặt nội khí quản. 

Theo các nhà khoa học, biến chủng này đang là “chủng virus thống trị” toàn thế giới. Theo đó, chu kỳ lây nhiễm của Delta tiến triển nhanh trong vòng 2 ngày, người bệnh có nồng độ virus cao hơn 1.260 lần so với người bệnh ở giai đoạn đầu tiên của dịch Covid-19, khả năng lây truyền cao hơn 225% so với chủng virus Vũ Hán và làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân. 

Cũng giống như những biến chủng trước, nhiều người bệnh khi mắc chủng Delta không có triệu chứng bệnh, hoặc xuất hiện các triệu chứng giống như cảm lạnh như đau đầu, đau họng, sổ mũi hoặc sốt, v.v. Do vậy, người bệnh dễ nhầm lẫn hoặc có tâm lý chủ quan hơn trước tình hình dịch bệnh, khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh càng trở nên khó khăn. 

  1. Biến chủng Delta ở Việt Nam

Sự xuất hiện của biến chủng Delta đã làm đảo lộn tình hình chống dịch tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam – một trong những nước kiểm soát dịch bệnh rất tốt trước đó. 

Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện đang ghi nhận 7 biến thể Covid-19, riêng trong đợt dịch mới này có 2 chủng là Delta và Alpha (tức chủng B.1.1.7, lần đầu tiên phát hiện tại Anh).

Trong đó, chủng Delta xuất hiện từ đoàn chuyên gia Trung Quốc khi đoàn này nhiễm nCoV từ khu cách ly có chuyên gia Ấn Độ ở Yên Bái. Sau gần 4 tháng phát hiện, đến ngày 21/8, trong đợt dịch thứ 4, nước ta đã có 319.209 bệnh nhân Covid-19. Tính lũy kế từ đầu dịch đến ngày 21/8, Việt Nam có 323.268 ca bệnh. Bình quân, cứ 1 triệu dân có 3.180 ca nhiễm, đứng thứ 169/222 thế giới. 

Riêng tại TP.HCM – địa phương đang có tình hình dịch bệnh phức tạp nhất cả nước – chủng Delta xuất hiện lần đầu ở quận 3, từ 2 ca bệnh ở công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam vào ngày 18/5. Tiếp đó, chủng virus nguy hiểm này tiếp tục được phát hiện trong chuỗi lây nhiễm của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Từ đây, những người tiếp xúc gần với F0 như hàng xóm, đồng nghiệp, gia đình liên tục được phát hiện nhiễm bệnh. Sau đó, các chuỗi lây nhiễm tại các khu dân cư đông đúc như chợ đầu mối, chợ truyền thống, xí nghiệp, khu ăn uống, v.v xuất hiện dày đặc. Tình hình dịch bệnh lên mức báo động khi số người trẻ tuổi, không có bệnh nền liên tục rơi vào trạng thái nguy kịch, thậm chí tử vong do chủng Delta. 

Không chỉ riêng TP.HCM, hai địa phương lân cận ở khu vực phía Nam là Bình Dương và Đồng Nai cũng đang có diễn tiến bệnh dịch vô cùng phức tạp. Tại Bình Dương, các ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng không rõ nguồn lây cộng với các ổ dịch phức tạp tại các công ty, khu công nghiệp tiềm ẩn rủi ro lây lan dịch bệnh. Trong khi đó, ở Đồng Nai, ngoài các ổ dịch tại các công ty “3 tại chỗ”, các ổ dịch tại nhiều chợ dân sinh cũng gây ra tình trạng khó kiểm soát. 

Theo thống kê, trước khi xuất hiện chủng Delta, trong vòng 15 tháng kể từ tháng 1/2020, cả nước chỉ ghi nhận chưa tới 3.000 ca mắc Covid-19 và 35 trường hợp tử vong. Nhưng đến tháng 7/2021, số ca mắc mới tăng lên hàng chục nghìn ca mỗi ngày. Số ca tử vong lên tới mức gần 800 người mỗi ngày. Đến ngày 21/8, đợt dịch thứ 4 ghi nhận 164.524 ca bệnh ở TP.HCM, 55.601 ca ở Bình Dương, 15.602 ở Đồng Nai. Tính lũy kế, TP.HCM có 167.476 người nhiễm bệnh và 6.071 trường hợp tử vong từ đầu dịch đến nay. 

Hệ thống y tế tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam đang rơi vào tình trạng quá tải khi số bệnh nhân tăng liên tục, đặc biệt là các ca bệnh trong cộng đồng. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có trong lịch sử từ trước đến nay. 

Phân tích về tình hình hiện nay, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia Khoa Nhiễm thuộc bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, tốc độ lây lan rất nhanh của biến chủng Delta là một trong những nguyên nhân chính khiến đợt dịch mới kéo dài 4 tháng mà vẫn chưa được kiểm soát tốt, từ đó dẫn đến việc các trường hợp tiên lượng nặng, tử vong cũng tăng nhiều so với thời gian trước. Còn theo Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM – GS.TS Phan Trọng Lân, một số ca dương tính chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng nhận định, trước diễn biến lây lan nhanh của chủng Delta, người dân chỉ cần tiếp xúc ở cự ly dưới 2m trong thời gian ngắn đã có thể nhiễm bệnh. Trong khi đó, ThS.BS Phạm Văn Phúc (Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) thông tin, chủng Delta có thể khiến thời gian diễn biến nặng ở bệnh nhân Covid-19 nhanh hơn các biến thể khác.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng đợt dịch này không những sẽ kéo dài hơn mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân và tình hình kinh tế của Việt Nam. 

  1. Dịch Covid-19 trên thế giới

Không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải “gồng mình” đối mặt với đại dịch mới do biến chủng Delta gây ra. Theo một thống kê tại 55 quốc gia của GISAID, biến thể Delta chiếm hơn một nửa số mẫu virus của bệnh nhân các nước này. 

Theo thống kê không đầy đủ từ Statista, chỉ riêng ngày 19/8, báo cáo từ Vương quốc Anh ghi nhận các ca nhiễm biến thể Delta cao nhất thế giới, với 273.194 trường hợp. Một nguồn tin khác cho biết, tại quốc gia này, biến thể Delta chiếm 91% các trường hợp mắc mới ghi nhận. Trong đó, các triệu chứng thông thường rất giống với cảm lạnh như đau đầu, đau cổ và chảy nước mũi. Điều này khiến nhiều người chủ quan hơn với dịch bệnh.

Còn tại Australia, một nghiên cứu mới cho thấy, chủng virus Delta còn có thể khiến những người trẻ, khỏe mạnh, không có bệnh nền vẫn có nguy cơ bị biến chứng tim mạch, đồng thời còn có nguy cơ tử vong cao. 

Tại Thái Lan, theo khảo sát hồi đầu tháng 8, so với hai chủng Alpha và Beta, chủng Delta có sức tấn công nghiêm trọng nhất khi quốc gia Chùa Vàng này đã ghi nhận hơn 90% bệnh nhân Covid-19 bị nhiễm chủng mới. Được biết, Thái Lan đã ghi nhận 885.000 người mắc Covid-19 và 7.343 người tử vong.

Chủng Delta cũng “gọi tên” ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất toàn cầu. Như tại Israel, đất nước có hơn 62% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, số ca mắc hàng ngày vẫn liên tục gia tăng trong tháng 7,8/2021 khi chủng Delta hoành hành. Bộ Y tế quốc gia này nhận định, hiệu quả của vắc-xin Pfizer-BioNTech 2 liều đã giảm xuống chỉ còn 39%, mặc dù khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng vẫn cao. Còn tại Anh, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng 2 liều Pfizer – BioNTech hoặc vắc-xin AstraZeneca – Oxford vẫn có hiệu quả cao đối với chủng Delta. Theo một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Y học của New England, 2 liều vắc-xin Pfizer-BioNTech có hiệu quả 88% đối với chủng Delta, trong khi hiệu quả đối với chủng Alpha là 93,7%. 

Tuy vậy, hiện tại, giới chức y tế thế giới đang lo ngại tình trạng bất bình đẳng vắc xin giữa nước giàu và nước nghèo, đặc biệt là khi vắc xin đang là “cứu cánh” giúp làm giảm tình trạng bệnh nặng hoặc các ca tử vong do Delta gây ra. Nhiều nước đang phát triển đang không được tiếp cận với vắc xin Covid-19. Đó là lý do khiến WHO đã kêu gọi các quốc gia giàu có ngừng tiêm các mũi tiêm thứ ba để chia sẻ vắc xin cho các nước khác.