Site stats Bệnh đậu mùa khỉ (virus monkeypox) mới: Những thông tin bạn cần biết! – Brain Berries

Bệnh đậu mùa khỉ (virus monkeypox) mới: Những thông tin bạn cần biết!

Advertisements

Khi nỗi lo về dịch Covid-19 đã bắt đầu tạm lắng sau 2 năm dài hoành hành, một loại virus khác đang khiến người dân hoang mang là virus gây bệnh “đậu mùa khỉ”, hay còn gọi là virus monkeypox. Bạn đã biết gì về virus monkeypox này? 

Là “anh em họ” của đậu mùa

Đậu mùa khỉ xuất phát từ chủng virus có quan hệ họ hàng với bệnh đậu mùa và được đánh giá là một căn bệnh hiếm gặp. Năm 1958, trên các đàn khỉ được nuôi phục vụ cho hoạt động nghiên cứu bệnh đậu mùa tại Đan Mạch, virus monkeypox đã lần đầu xuất hiện. Đến năm 1970, căn bệnh này lần đầu tiên được phát hiện trên người ở Cộng hòa Dân chủ Congo. 

Từ đó trở đi, virus monkeypox cũng được phát hiện trên người ở một số quốc gia Trung Phi và Tây Phi như Cộng hòa Trung Phi, Cameroon, Bờ Biển Ngà, Gabon, Liberia, Nigeria và Sierra Leone. 

Bệnh có thể gây các nốt phát ban rộng trên cơ thể

Những người mắc virus đậu mùa khỉ thường có triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội kèm cảm giác uể oải, ớn lạnh, đau mỏi lưng và các cơ. Khi người bệnh đậu mùa khỉ bị sốt, họ cũng đồng thời bị phát ban. Sau đó 1-3 ngày, các nốt phát ban phát triển mạnh, bắt đầu trên mặt và lan ra khắp cơ thể người, kể cả mắt và cơ quan sinh dục. Chính vì gây tổn thương bộ phận sinh dục nên bệnh khó phân biệt với giang mai, giời leo hay một số bệnh khác. 

Theo các chuyên gia y tế, 95% bệnh nhân ghi nhận phát ban trên mặt, 75% bệnh nhân có phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân. Ngoài ra, các nốt phát ban này sẽ nổi lên từ trong da, sưng to, dẫn đến mụn mủ, sau đó sẽ đóng vảy và vỡ xẹp. Số lượng nốt phát ban trên người bệnh đôi khi là vài nốt hoặc cũng có thể lên đến cả ngàn nốt.

Bệnh đang phổ biến ở châu Âu, chưa rõ tác nhân phát tán bệnh

Dù là căn bệnh không thực sự phổ biến ngoài các quốc gia châu Phi nhưng mới đây, ngày 17/5, Anh bất ngờ thông báo ghi nhận 7 ca mắc đậu mùa khỉ, sau đó các quốc gia Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng ghi nhận nhiều ca nhiễm. Tính đến ngày 26/5, WHO ghi nhận 20 quốc gia xác nhận có ca mắc bệnh, trong đó chủ yếu ở nhiều quốc gia châu Âu như Bỉ, Đức, Pháp, Hà Lan, Ý, v.v.

Các chuyên gia y tế vẫn chưa chắc chắn về tác nhân dẫn đến đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, WHO nhận định nhiều khả năng nguồn lây lớn nhất là qua loài gặm nhấm. Ngoài ra, một số nhà khoa học còn đặt giả thuyết nguyên nhân của đợt bùng phát năm 2022 chủ yếu đến từ hoạt động tình dục với người mắc bệnh.

Nguy cơ lây nhiễm “cực kỳ thấp”

Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Khi bắt có triệu chứng đến khi bong vảy, bệnh nhân có thể lây nhiễm cho người khác. 

Virus đậu mùa khỉ thường được lây nhiễm qua vết thương, đường hô hấp hoặc niêm mạc ở mắt, mũi, miệng. Riêng với đường hô hấp, bạn chỉ có nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc lâu dài với ca bệnh vì virus chỉ lây qua các giọt bắn lớn. Ngoài ra, virus bệnh hiếm này cũng có thể lây qua đường quan hệ tình dục, hoặc khi gián tiếp tiếp xúc với quần áo hoặc khăn trải giường. 

Tuy nhiên, người dân cũng không cần quá lo lắng về khả năng nhiễm bệnh. Theo bà Susan Hopkins, cố vấn dịch bệnh hàng đầu từ Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh, các ca bệnh mới chủ yếu được phát hiện ở thành thị và ở những người song tính hoặc đồng tính nam. Bà nhận định, nguy cơ nhiễm bệnh đối với người dân vẫn ở mức “cực kỳ thấp”. 

Người bệnh thường tự khỏi, không cần điều trị đặc biệt

Cơ quan Dịch vụ Y tế Vương quốc Anh nhận định, hầu hết những người mắc bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự bình phục trong vài tuần. Việc điều trị các ca bệnh đậu mùa khỉ thường hướng đến việc điều trị giảm nhẹ triệu chứng, chăm sóc sức khỏe toàn diện, chú ý chế độ dinh dưỡng đầy đủ, quản lý biến chứng và tránh xảy ra di chứng lâu dài. Các chuyên gia y tế đều đồng thuận rằng người bệnh không cần thực hiện các biện pháp điều trị đặc biệt. 

Vẫn có trường hợp tử vong và biến chứng nặng

Tuy không cần điều trị đặc biệt nhưng bệnh đậu mùa khỉ vẫn có thể gây ra các biến chứng nặng như bong da do các vết lở trên da, nhiễm trùng máu, viêm phế quản, viêm mô não và nếu vết thương hình thành trên mắt có thể gây mù lòa. 

Thậm chí, y học thế giới cũng ghi nhận các ca tử vong do đậu mùa khỉ mặc dù tỷ lệ tử vong thấp hơn so với dịch đậu mùa trước kia. Theo thống kê của WHO, nếu bệnh đậu mùa có thể khiến 30% bệnh nhân tử vong thì tỷ lệ này ở đậu mùa khỉ là 3-6%. 

Chưa có thuốc đặc trị, có thể dùng vắc xin đậu mùa để ngừa bệnh

Đến thời điểm hiện tại, y học thế giới chưa phát triển được phương pháp hay phương thuốc đặc trị nào với virus đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người dân có thể sử dụng vắc xin phòng bệnh đậu mùa trước và sau khi phơi nhiễm. Các cơ quan y tế ghi nhận, vắc xin đậu mùa có thể mang đến hiệu quả 85% trong việc ngăn ngừa virus monkeypox. Những người tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ mắc bệnh nhưng triệu chứng nhẹ hơn và ít để lại biến chứng cũng như giảm diễn tiến bệnh nặng. 

Bạn cần làm gì để tránh bệnh đậu mùa khỉ?

Nếu đang lo ngại cho sức khỏe bản thân và gia đình trước căn bệnh hiếm đang gây nên nỗi lo sợ trên thế giới này, bạn có thể chủ động phòng tránh virus gây bệnh bằng việc rửa tay, sát khuẩn sạch sẽ và đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Đồng thời, bạn cần tránh tiếp xúc với dịch cơ thể, vết thương, giọt bắn cùng các đồ dùng của người bệnh. 

Ngoài ra, khi đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh, bạn cần tránh tiếp xúc với các động vật gặm nhấm và động vật có vú, tránh ăn thịt động vật hoang dã hoặc thực phẩm từ động vật chưa nấu chín kỹ.