Nghệ thuật đương đại xuất hiện ở Việt Nam tương đối muộn so với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, kể từ khi ra đời, lĩnh vực này đã đạt được khá nhiều thành tựu nổi bật, được quốc tế ghi nhận. Đóng góp vào những thành tựu đó, không thể không kể tới những nghệ sĩ tiêu biểu sẽ được giới thiệu sau đây.
Nghệ sĩ Trần Lương
Nghệ sĩ Trần Lương sinh năm 1960. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội và đã trở thành một trong những họa sĩ đương đại tiên phong ở Việt Nam. Sáng tác của anh khá đa dạng về chủ đề từ chính trị, lịch sử, đến con người, và cả những hình ảnh mang tính biểu tượng. Anh là đồng sáng lập của Nhà sàn Studio và là thành viên của nhóm Gang of Five đình đám trong giới nghệ thuật. Anh cũng có rất nhiều tác phẩm tham dự triển lãm quốc tế như “No Country: Contemporary Art for South and Southeast Asia” (Không có biên giới quốc gia: Nghệ thuật đương đại Nam và Đông Nam Á) (triển lãm tại Bảo tàng Guggenheim (Hoa Kỳ) và tại Trung tâm nghệ thuật Đương đại Singapore); “Medium at Large” (Trung bình ở cỡ lớn) (triển lãm tại Bảo tàng nghệ thuật Singapore), ‘Welcome to the jungle/ Welts (Chào đón đến với rừng) (triển lãm tại bảo tàng Nghệ thuật Yokohama và Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Kumamoto, Nhật Bản), v.v.
Nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh
Nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh được đánh giá là một trong những nghệ sĩ đương đại Việt Nam có tầm ảnh hưởng quốc tế nổi bật. Anh sinh năm 1968 tại Kiên Giang nhưng sang Mỹ từ khi còn khá nhỏ (10 tuổi) và tốt nghiệp ngành Mỹ thuật tại Trường Đại học California. Sau đó, anh tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sỹ ngành Nhiếp ảnh tại Trường Mỹ thuật New York. Các sáng tác của anh chủ yếu tập trung vào đề tài chiến tranh, khắc họa những đau thương, mất mát mà chiến tranh mang lại cho con người. Anh cũng hướng đến việc châm biếm sự giả tạo của cuộc sống hào nhoáng bề ngoài, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn đối với du khách, và kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
Các tác phẩm của Lê Quang Đỉnh về đề tài chiến tranh đã được quốc tế đánh giá cao. Nhiều tác phẩm của anh đã được trưng bày tại nhiều nước trên thế giới như “Tấm thảm hồi ức” (trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Bellevue), “Đích đến cho một thiên niên kỷ” (trưng bày tại New York), “Dự án 93: Lê Quang Đỉnh” (trưng bày tại MoMA, New York), v.v. Đặc biệt, tác phẩm “The Farmers and the Helicopters”, tác phẩm khắc họa hình ảnh chiếc máy bay trực thăng đã từng là phương tiện chiến tranh reo rắc đau thương cho con người nay đã trở thành một phương tiện hỗ trợ nông nghiệp trong thời kì hòa bình được chế tạo bởi những người nông dân, đã tạo dấu ấn cá nhân mạnh mẽ cho Lê Quang Đỉnh trên trường quốc tế.
Cùng với việc sáng tạo nghệ thuật, Lê Quang Đỉnh cũng sáng lập Tổ chức nghệ thuật Việt Nam tại Los Angeles (Hoa Kỳ) và Sàn Art – không gian nghệ thuật mở dành cho nghệ sĩ trẻ) xây dựng từ nguồn quỹ phi lợi nhuận từ Tổ chức nghệ thuật Việt Nam tại Los Angeles.
Nghệ sĩ Jun Nguyễn – Hatsushiba
Nghệ sĩ Jun Nguyễn – Hatsushiba sinh năm 1968 tại Nhật Bản. Anh mang trong mình hai dòng máu Việt – Nhật. Anh du học tại Hoa Kỳ và tốt nghiệp Trường Đại học mỹ thuật Chicago năm 1992. Hai năm sau, anh tốt nghiệp thạc sĩ mỹ thuật Trường Đại học mỹ thuật Maryland. Anh được biết đến như một nghệ sĩ đa phương tiện. Sau thời gian ở Mỹ, anh thực hiện triển lãm về nghệ thuật sắp đặt đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1997 tại Hàng Bài. Từ năm 1998, anh đã lựa chọn Xích lô làm chủ đề sáng tác của mình với ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp lao động của những người lao động bình thường trong xã hội. Khái niệm xích lô đương đại của anh còn thể hiện tính biểu tượng của chế độ thuộc địa. Đồng thời, nó cũng biểu trưng cho cuộc sống mưu sinh của con người, trong đó có cả những người nghệ sĩ. Từ chủ đề này anh đã thực hiện một video dưới nước được đánh giá cao có tên Memorial Project Nha Trang: Towards the Complex – For the Courageous, the Curious and the Cowards (Dự án tưởng niệm Nha Trang – dành cho những người dũng cảm, người tò mò và người nhát gan), triển lãm tại Yokohama, Nhật Bản vào năm 2001. Anh cũng tạo ra các video dưới nước khác như Ho!Ho!Ho! Merry Christmas: Battle of Easel Point – Memorial Project Okinawa, 2003 (Chúc mừng Giáng sinh: Cuộc chiến của Easel Point – Dự án tưởng niệm Okinawa, 2003) ; The Ground, the Root, and the Air: The passing of the Bodhi Tree (Mặt đất, cội rễ và không khí: Đi qua cây Bồ đề), v.v. Đến dự án Breathing is Free (Tự do hít thở), anh đã tạo nên bằng cách chạy bộ ở nhiều quốc gia tạo nên những hình mẫu mà anh đã dự định sẵn theo hình vẽ từ định vị nhằm thực hiện một dự án nghệ thuật lớn, trong đó bao gồm khủng hoảng của người tị nạn. Dự án này vẫn đang tiếp tục cho đến khi anh có thể chạy đủ chiều dài đường kính trái đất.
Tiffany Chung
Sinh năm 1969 tại Đà Nẵng, nữ nghệ sĩ Tiffany Chung tốt nghiệp cử nhân Nhiếp ảnh năm 1998 tại Đại học California, Long Beach. Hai năm sau, cô nhận bằng thạc sĩ về Studio Nghệ thuật tại Đại học California, Santa Barbara. Cô đã về Việt Nam sinh sống và cùng với Lê Quang Đỉnh đồng sáng lập Sàn Art.
Chủ đề sáng tác của Tiffany Chung rất đa dạng, bao gồm những mâu thuẫn trong cuộc sống, di cư, đô thị hóa, và sự chuyển đổi của xã hội trong mối liên hệ với lịch sử và văn hóa. Đặc biệt, các sáng tác của cô tập trung vào các vấn đề về môi trường, sự phát triển của đô thị, và sự khủng hoảng của đời sống con người. Đặc điểm nổi bật trong các sáng tác của cô là bao gồm nhiều tầng lớp, nhiều góc nhìn từ các giai đoạn lịch sử, phản ánh sự bất khả thi trong việc xác định chính xác một cách trình bày.
Với những nỗ lực sáng tạo nghệ thuật, cô đã nhận giải thưởng Sharjah Biennal Artist Prize vào năm 2013 và nhiều giải thưởng quốc tế khác. Các tác phẩm của cô được triển lãm tại nhiều nước trên thế giới như “from the mountains to the valleys, from the deserts to the seas: journeys of historical uncertainty” (Từ những ngọn núi tới các thung lũng, từ sa mạc đến biển: hành trình của những bất ổn lịch sử) – triển lãm tại Copenhagen, Đan Mạch; finding one’s shadow in ruins and rubble (tìm bóng mình trong tàn tích và sự đổ nát) – triển lãm tại New York, v.v.
Nguyễn Trinh Thi
Là một nhà sản xuất phim độc lập, Nguyễn Trinh Thi đóng góp cho nghệ thuật đương đại thông qua những video nghệ thuật và bộ phim tài liệu. Tuy sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Nguyễn Trinh Thi (sinh năm 1973) chủ yếu học tập tại Mỹ. Cô tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Báo chí tại Đại học Iowa và Thạc sĩ ngành Quốc tế Thái Bình Dương tại Đại học California, San Diego. Sau khi tốt nghiệp, cô đã về Việt Nam làm việc và sáng lập Hanoi DocLab – trung tâm giáo dục và studio để sản xuất video nghệ thuật và phim tài liệu tại Hà Nội.
Kể
từ đó đến nay, cô đã có rất nhiều video nghệ thuật
và phim tài liệu được đánh giá cao, được trình chiếu
tại các tố chức và lễ hội trên thế giới như Jeu de
Paume, Paris; Bảo tàng nghệ thuật châu Á Fukuoka; Bảo tàng
nghệ thuật Singapore, Liên hoan phim tài liệu quốc tế
DMZ; Liên hoan phim quốc tế Oberhausen, v.v. Các bộ phim của
Nguyễn Trinh Thi chủ yếu tập trung vào đề tài lịch sử,
văn hóa, và cuộc sống hiện tại thông qua cách tiếp cận
đa dạng, nhiều tầng lớp, bao gồm các hoạt động trải
nghiệm. Cô sử dụng tài liệu phong phú bao gồm cả video
và hình ảnh thu thập từ nhiều nguồn để làm nổi bật
thông điệp của mình.
Danh Võ
Danh Võ là một trong những nghệ sĩ đương đại gốc Việt nổi tiếng quốc tế. Anh sinh năm 1975 tại Bà Rịa Vũng Tàu. Khi còn thiếu niên, anh đã đi định cư tại Đan Mạch và hiện anh đang sinh sống và làm việc tại Đức. Các sáng tác của Danh Võ khá đa dạng về thể loại như nhiếp ảnh, các hình thức sắp đặt, điêu khắc, ngôn ngữ, v.v. Dù ở hình thức nào, anh luôn cố gắng thể hiện tốt quan điểm và thông điệp cá nhân gửi gắm đến công chúng. Danh Võ tập trung vào các chủ đề như di cư, vấn đề quốc tịch, chủ nghĩa thực dân, sự vỡ mộng, dấu ấn quốc gia của cá nhân trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự bừa bộn, thù hằn, v.v.
Các
sáng tác của Danh Võ đã được trưng bày tại Bảo tảng
MoMA,
New York, tại triển lãm ở Italia, Berlin, v.v. Anh đã được
nhận giải thưởngblueOrange –
Giải thưởng của Châu Âu dành cho nghệ sĩ đương đại,
giải Hugo
Boss uy tín, và giải thưởng của Đức dành cho nghệ sĩ
trẻ đương đại. Trong sự kiện 2015 Venice, Danh Võ đã
được chọn làm đại diện cho Đan Mạch tham gia sự kiện
này nhờ một triển lãm cá nhân của anh thực hiện tại
Guggenheim, Mỹ.
Nguyễn Mạnh Hùng
Là một trong những nghệ sĩ đương đại tại Việt Nam, Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1976) không chỉ vẽ mà anh còn thực hiện điêu khắc và nhạc thể nghiệm. Các sáng tác của anh thường thể hiện sự hài hước và hóm hỉnh bởi anh khắc họa hình ảnh xã hội đương đại vừa phi lí, vừa siêu thực nhưng lại rất “đời”. Chẳng hạn, anh khắc họa hình ảnh chiếc máy bay phản lực có túi hàng tạp hóa trên đôi cánh, người nông dân chăn nuôi gà vịt trên nóc sân thượng của chung cư, v.v.
Không chỉ triển lãm trong nước, Nguyễn Mạnh Hùng cũng ghi dấu ấn cá nhân của mình trong các cuộc triển lãm quốc tế như Phòng trưng bày nghệ thuật Queensland ở Brisbane năm 2012 và Musée d’Art Contemporain du Val-de-Marne năm 2014.
Hà Mạnh Thắng
Là một trong những nghệ sĩ đương đại trẻ tuổi nhất Việt Nam, Hà Mạnh Thắng (sinh năm 1980) đã đạt được những thành tựu đáng nể ở Việt Nam và cả quốc tế. Các tác phẩm của anh thường thiên về xu hướng châm biếm hoặc phản ánh sinh động truyền thống và hiện đại, cũng như phản ánh xu thế tiêu dùng mới của con người sau thời kì đổi mới. Anh cũng tập trung vào các chủ đề di tích, lịch sử, và văn hóa trong những sáng tác gần đây. Với chủ đề di tích, lịch sử, và văn hóa, Hà Mạnh Thắng không coi trọng màu sắc bắt mắt. Anh thường sử dụng những gam màu tối, phản ánh vẻ đẹp “khiếm khuyết” của cổ vật, di tích, hoặc thể hiện nguyên bản các di tích, địa điểm để gợi nên những câu hỏi về vai trò và ý nghĩa của các di tích, địa điểm đó.