Site stats Tổng hợp những tổn thất từ trận lũ lụt lịch sử ở Miền Trung – Brain Berries

Tổng hợp những tổn thất từ trận lũ lụt lịch sử ở Miền Trung

Advertisements

Trận lũ lụt lịch sử miền Trung bắt đầu từ ngày 6/10/2020 do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt áp thấp nhiệt đới, bão số 6 (ngày 11/10/2020) và bão số 7 (13/10/2020). Đến nay, trận lũ lịch sử này vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh bão số 8 đang đến gần và tiếp tục đe dọa miền Trung nước ta. Bão số 8 có tên quốc tế là Saudel, dự báo sẽ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280 km về hướng Đông Nam với gió giật cấp 12 vào trưa ngày 22/10/2020.

Sau 13 ngày lũ lụt, tính đến ngày 20/10, các tỉnh miền Trung Việt Nam, đặc biệt là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã gánh chịu những thiệt hại nặng nề cả về người và của. Tại Hà Tĩnh, có khoảng 31.000 ngôi nhà bị ngập lụt. Tại Quảng Bình, con số tăng lên gấp ba với 95.141 ngôi nhà bị ngập lụt. Tại Quảng Trị, 53.759 ngôi nhà bị ngập lụt. Trong đó, có những nhà được xây dựng ở khu vực cao ráo và chưa từng bị ngập lụt bao giờ. Số người chết tăng lên 132 người. Số người mất tích là 27 người. 6.989 ha hoa màu bị phá hủy. Số lượng gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi lần lượt là  5.876 và 685.225 con. Lũ trên các sông ở ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, và Quảng Trị vượt mức báo động 3. Trong đó, lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) vượt mức lũ lịch sử năm 1979.

Trận lũ lịch sử này cũng gây những thiệt hại nghiêm trọng về giao thông, làm cho công tác cứu trợ miền Trung gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, khoảng 16 tuyến với hơn 165.150m đường quốc lộ và 140.125m được giao thông ở các địa phương đã bị sạt lở, ngập, hoặc hư hỏng. Tối ngày 19/10, một quả đồi lớn ở Quảng Bình (Cha Lo, Minh Hóa) đã sạt lở bất ngờ làm đất đá tràn xuống gây đổ sập nhà chỉ huy đồn biên phòng. Các công trình và đường giao thông xung quanh nhà chỉ huy cũng bị đứt gãy và nghiêng ngả. Do các công trình giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ô tô xếp hàng dài trên nhiều tuyến đường thuộc quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh để chờ thông đường.

Trong khi đó, do mực nước báo động, nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cũng đang tiến hành xả tràn. Hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) đã phải lên phương án nổ mìn phá đập để tránh nguy hiểm. Công tác sơ tán người dân đang được thực hiện khẩn trương. Tính đến ngày 20/10, 41.075 người dân ở Hà Tĩnh, 30.000 người dân ở Quảng Bình, và 48.490 người dân ở Quảng Trị được sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm. Hình ảnh những căn nhà ngập đến mái, những cánh tay thò ra khỏi mái ngói kêu cứu, những tin nhắn cầu cứu khắp trên mạng xã hội là những hình ảnh tang thương về miền Trung những ngày này.

Trong bối cảnh miền Trung đang oằn mình chống lũ, tinh thần tương thân tương ái của người Việt một lần nữa được lan tỏa khắp mọi miền của đất nước. Ở Nghệ An, người dân xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) đã thức đêm, gói bánh trưng gửi vào miền Trung ruột thịt. Ở Quảng Trị, chi hội phụ nữ khu phố 5 Đông Hà đã nấu cơm suốt hai ngày để cứu trợ người dân trong tỉnh bị ngập lụt. Trên khắp cả nước, nhiều chuyến hàng cứu trợ đã đến miền Trung. Ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung và nhận được 100 tỷ ủng hộ trong ít ngày. Cô không quản nước lũ nguy hiểm để cứu trợ người dân vùng lũ. Nghệ sĩ Trấn Thành kêu gọi ủng hộ được 8,7 tỷ. Các nghệ sĩ như Hoài Linh, Phan Anh, v.v. cũng lên đường cứu trợ miền Trung trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” này. Các tỉnh như Đồng Nai cũng kêu gọi và nhận được sự ủng hộ lên tới 3,6 tỷ cho miền Trung thân yêu trong vòng 15 phút. Các đợt quyên góp ủng hộ từ thiện vẫn đang được tiếp tục kêu gọi bởi các cơ quan, đoàn thể, tổ chức với mong muốn chung tay giúp đỡ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn.

Liên quan đến nguyên nhân của trận lũ lịch sử này, bên cạnh yếu tố thiên tai, những bất cập trong quy hoạch và quản lý rừng cũng là những yếu tố quan trọng. Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc sở KHCN Nghệ An đã từng cảnh báo “thủy điện cóc” (nhà máy thủy điện công suất nhỏ, đầu tư ít, thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận lớn) rất nguy hiểm cho Bắc Trung bộ bởi để xây các nhà máy này cần chặt phá rừng đầu nguồn và gây ngập lụt cho vùng hạ du trong mùa mưa (do nhà máy thủy điện xả nước bởi dung tích thấp) trong khi gây hạn hạn trong mùa khô (do nhà máy thủy điện tích nước). Bên cạnh đó, lệnh đóng cửa rừng ban hành từ 7/2016 vẫn không được thực hiện bởi lợi ích kinh tế mà gỗ tự nhiên mang lại.