Site stats Những quốc gia đã tiêm đại trà Vắc-xin Covid-19 – Brain Berries

Những quốc gia đã tiêm đại trà Vắc-xin Covid-19

Advertisements

Sau 1 năm kể từ khi những ca nhiễm bệnh Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc, đến nay, dịch bệnh này vẫn tiếp tục lan rộng với hơn 85 triệu ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới.  Dịch bệnh này cũng gây ra những thiệt hại to lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, việc tìm ra vắc-xin chống Covid-19 được xem là một trong những thành tựu to lớn của khoa học và là chìa khóa để kiểm soát căn bệnh nguy hiểm này. Đến thời điểm tại, đã có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai tiêm đại trà vắc xin Covid-19.  

Vương quốc Anh 

Ngày 8/12, Vương Quốc Anh và Bắc Ireland đã chính thức triển khai chương trình tiêm đại trà vắc xin ngừa chủng virus Corona mới. Theo đó, Vương quốc Anh đã đặt mua 40 triệu liều vắc xin Covid-19 từ hãng dược Pfizer/BioNTech. Vì mỗi người cần 2 liều để phòng bệnh nên số lượng vắc xin này chỉ đủ cho khoảng 20 triệu người. Số vắc xin này được bảo quản lạnh ở nhiệt độ -70 độ C và được vận chuyển từ Bỉ đến Anh. 

Trong đợt vận chuyển đầu tiên, chỉ có khoảng 800 ngàn liều vắc xin Covid-19 dành cho 400 ngàn người dân. Do số lượng vắc-xin có hạn, Anh đã ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhóm dễ tổn thương như các nhân viên y tế, người dân trên 80 tuổi và nhân viên tại các viện dưỡng lão. Theo một nguồn tin, nước Anh đã đặt hàng tổng cộng 357 triệu liều vắc xin Covid-19 từ các hãng dược khác nhau như Pfizer/BioNTech, Oxford/AstraZeneca và Moderna.

Mỹ 

Chính quyền Mỹ đã thực hiện chương trình “Operation Warp Speed” để hỗ trợ thúc đẩy quá trình nghiên cứu và phát triển vắc-xin chống Covid-19. Do vậy, ngay sau khi thông tin về tính khả dụng lên tới hơn 95% của vắc xin Covid-19 do Pfizer/BioNTech và Moderna công bố, Mỹ tuyên bố đã sẵn sàng để tiêm ngừa cho 20 triệu người dân trong tháng 12/2020 và 30 triệu người khác trong tháng 1/2021. Ngày 14-16/12/2020, quốc gia này đã tiến hành tiêm chủng đại trà vắc-xin Covid-19 đợt đầu tiên. Trong đợt tiêm chủng này, có khoảng 3 triệu người Mỹ, bao gồm nhân viên y tế và người cao tuổi ở các viện dưỡng lão, được tiêm ngừa. 

Đến nay, Mỹ đã mua tổng cộng 100 triệu liều vắc xin của Pfizer/BioNTech đồng thời đặt mua trước 200 triệu liều vắc xin Covid-19 của hãng dược Moderna. Đến giữa năm 2021, dự kiến sẽ có 150 triệu người dân Mỹ được tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 đầy đủ. 

Canada 

Giữa tháng 12/2020, Canada cũng đã tiếp nhận các lô vắc-xin Covid-19 đầu tiên của hãng dược Pfizer/BioNTech vận chuyển từ Bỉ để tiêm chủng đại trà cho người dân. Từ nay cho đến hết tháng 3/2021, Canada sẽ tiếp nhận tổng cộng 6 triệu liều vắc xin của cả  hai hãng dược Pfizer/BioNTech và Moderna (Mỹ) và sẽ tiêm chủng cho nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế và người cao tuổi ở viện dưỡng lão.

Dù không phải là quốc gia đầu tiên thực hiện việc tiêm chủng đại trà nhưng Canada đã rất nhanh chóng khi quốc gia này đã đặt hàng đủ, thậm chí nhiều hơn số lượng vắc-xin Covid-19 cho toàn bộ dân số. Trong khi đó, số lượng vắc-xin Covid-19 đã đặt hàng ở Mỹ và Anh mới chiếm lần lượt khoảng 15% và 30% dân số. Hơn nữa, Canada dự kiến sẽ chia sẻ số vắc-xin Covid 19 còn dư cho các nước khác.

Israel 

Mặc dù các quốc gia Phương Tây như Mỹ và Anh đã đặt mua vắc-xin Covid-19 từ sớm với số lượng rất lớn nhưng tới thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm phòng ở các quốc gia này vẫn còn thấp, lần lượt là 0,84% và 1,47%. Trong khi đó, tỷ lệ người dân được tiêm phòng vắc-xin Covid-19 tại Israel lên đến 11,55%, cao nhất thế giới. Thành công này của Israel là do quốc gia này có dân số nhỏ và hệ thống y tế tập trung. Israel bắt đầu đợt tiêm chủng đại trà từ ngày 20/12/2020 nhưng chỉ sau hơn một tuần, đợt tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đầu tiên đã hoàn thành với hơn 1 triệu liều được tiêm lần 1. 

Quốc gia Trung Đông này đặt mục tiêu tiêm phòng cho 100.000 người/ngày trong thời gian đầu, sau đó sẽ nâng lên 150.000 người/ngày. Theo ước tính, Israel có thể hoàn thành tiêm chủng 2 mũi đầy đủ cho toàn bộ 9 triệu dân chỉ trong vòng vài tháng.  

Các quốc gia khác

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã thông báo kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 đại trà. 

Ngày 26/12/2020, Slovakia và Hungary bắt đầu khởi động chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Cùng thời gian này, Pháp cũng đã bắt đầu tiêm chủng đại trà vắc-xin này và đặt mục tiêu hoàn thành việc tiêm chủng cho khoảng 1 triệu người dân tại các viện dưỡng lão trong hai tháng đầu năm 2021. Con số này sẽ nâng lên 14-15 triệu người từ tháng 3 đến tháng 6/2021. Tại Đức, từ nay đến tháng 3/2021, quốc gia này dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 11 triệu liều vắc xin từ hãng dược Pfizer/BioNTech. Tính riêng trong tháng 1, Đức sẽ tiếp nhận khoảng 3 – 4 triệu liều vắc xin. Tại Tây Ban Nha, chính phủ nước này sẽ tiếp nhận khoảng 4,5 triệu liều vắc xin Covid-19 cho hơn 2 triệu người trong vòng 12 tuần tới. Với tổng số 47 triệu dân, đến tháng 6/2021, quốc gia này dự kiến sẽ tiêm ngừa cho khoảng 15 – 20 triệu người. Tại Italia, từ 27/12/2020, chính phủ nước này đã bắt đầu tiến hành tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên sau khi nhận được 9.750 liều vắc xin của hãng dược Pfizer/BioNTech. Được biết, 470.000 liều vắc xin sẽ được chuyển tới nước này mỗi tuần. Từ nửa cuối tháng 12/2020, các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mở rộng. Loại vắc xin được UAE sử dụng là của công ty Trung Quốc Sinopharm với hiệu quả thử nghiệm 86%. Các quốc gia khác như Slovakia, Hungary, Áo, Bồ Đào Nha, Chile, Mê-hi-cô cũng đã bắt đầu tiêm ngừa Covid-19 mở rộng. 

Tại Châu Á, Hàn Quốc có kế hoạch bắt đầu tiêm ngừa Covid-19 đại trà từ tháng 2/2021. Trung Quốc cũng đang tăng tốc để bắt đầu tiêm chủng cho người dân trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Chính phủ nước này đặt mục tiêu sẽ có 50 triệu liều đầu tiên vào ngày 15/1/2021. Tại Ấn Độ, chính phủ nước này dự kiến sẽ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho 300 triệu người trong vòng 6-8 tháng tới, bắt đầu từ tháng 1/2021. 

Dù đã có vắc xin Covid-19 nhưng theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam chưa thể lập tức triển khai tiêm đại trà vắc xin này trong quý đầu tiên năm 2021. Ngành y tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm một số loại vắc xin ngừa Covid-19. Do đó, người dân vẫn cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh.