Site stats Những ai chưa nên tiêm vắc xin AstraZeneca? – Brain Berries

Những ai chưa nên tiêm vắc xin AstraZeneca?

Advertisements

Mặc dù tiêm vắc-xin là cách duy nhất để đối phó với đại dịch Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với làn sóng Covid-19 lần thứ 4 với diễn biến phức tạp, Bộ Y Tế đã quy định có 9 đối tượng nên trì hoãn việc tiêm chủng. 

Vắc-xin AstraZeneca, nghiên cứu và phát triển bởi Đại học Oxford và công ty AstraZeneca của Anh, hoạt động nhờ một loại virus có tên là Adeno trên tinh tinh đã biến đổi để sản sinh ra protein gai sau khi được tiêm vào cơ thể con người. Nhờ đó, hệ miễn dịch của con người có thể nhận biết sự xuất hiện của virus Corona chủng mới và tiêu diệt virus này. Sau khi tiêm bắp, vắc-xin AstraZeneca có tác dụng từ 62-90%. 

Tại Việt Nam, theo hướng dẫn, vắc-xin AstraZeneca được tiêm hai mũi. Mũi 2 cách mũi 1 từ 4 đến 12 tuần. Mặc dù vắc-xin được chứng minh là an toàn với đa số người tiêm, trên thế giới đã ghi nhận những trường hợp bị đông máu sau tiêm hoặc các trường hợp sốc phản vệ tử vong. Do vậy, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành quyết định số 624/QĐ-BYT về việc hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm. Theo đó, những người đủ điều kiện tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca là những người từ đủ 18 tuổi trở lên, không quá mẫn với bất kì tá dược hay hoạt chất nào được liệt kê trong thành phần của vắc-xin này. 

Tuy vậy, quyết định số 624/QĐ-BYT cũng nêu rõ danh sách những đối tượng nên trì hoãn tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca bao gồm phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ, những người đang mắc các bệnh cấp tính như viêm phổi cấp tính, hội chứng hô hấp cấp tính, v.v., những bệnh nhân xơ gan mất bù, những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, những người đã bị suy giảm hệ thống miễn dịch, những bệnh nhân đã điều trị corticoid liều cao trong vòng 14 ngày vừa qua, những bệnh nhân đã và đang xạ trị, hóa trị, người bị rối loạn đông máu hoặc giảm tiểu cầu, người đã từng nhiễm Covid-19, người đã từng điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người mắc Covid-19 trong vòng 90 ngày vừa qua, người đã tiêm vắc-xin khác trong vòng 14 ngày trước, người trên 65 tuổi. 

Đặc biệt, có bốn đối tượng nên thận trọng khi tiêm vắc-xin Covid-19, bao gồm những người có tiền sử dị ứng, người có các bệnh nền nặng (tiểu đường, tim mạch, mỡ máu) hoặc bệnh mạn tính (viêm phế quản, v.v.) chưa điều trị triệt để, người mất tri giác và năng lực hành vi, người bệnh mãn tính có dấu hiệu sống còn bất thường như nhịp tim giảm dưới 60 lần/phút hoặc cao hơn 100 lần/phút, huyết áp tăng hoặc giảm, nhịp thở trên 25 lần/phút. 

Theo hướng dẫn tiêm chủng của VNVC, đơn vị được nhập khẩu vắc-xin AstraZeneca và thực hiện việc tiêm chủng vắc xin này, vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca chống chỉ định tiêm đối với những người có phản ứng với bất kì thành phần nào của vắc-xin, những người mắc hội chứng Guillain-Barré và bất kì bệnh nào có tình trạng hủy myelin. Đơn vị này cũng không tiêm vắc-xin cho những người mắc các bệnh tim mạch, thần kinh, các bệnh lý về gan, mật, thận, nội tiết. Trong trường hợp người tiêm bị mắc các bệnh cấp tính và bị sốt trên 38 độ vào ngày trước hoặc trong ngày tiêm chủng, việc tiêm chủng sẽ bị hoãn để đảm bảo an toàn cho người tiêm. 

Theo thông tin tới ngày 2/6/2021, Việt Nam hiện có hơn 4.500 ca nhiễm trong cộng đồng. Biến chủng SARS-CoV-2 tìm thấy ở ổ dịch Bắc Giang có tốc độ lây lan nhanh và độc tính cao. Ở các tỉnh thành khác như Bắc Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, số ca nhiễm Covid-19 đang tăng lên.  Do vậy, việc tiêm chủng cho người dân, đặc biệt các đối tượng ưu tiên như y bác sĩ, người tham gia phòng chống dịch, phóng viên,  v.v. đang được lên kế hoạch cấp tốc. Tuy vậy, do vắc-xin chống chỉ định với một số đối tượng như đã nêu nên vắc-xin không phải là giải pháp với những đối tượng này. Việc thực hiện nghiêm túc 5K – khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế tiếp tục là những biện pháp cần thiết để góp phần đẩy lùi dịch bệnh.