Site stats Điểm danh 7 “bóng hồng” Đông Nam Á lọt top 20 nữ CEO quyền lực châu Á 2023 – Brain Berries

Điểm danh 7 “bóng hồng” Đông Nam Á lọt top 20 nữ CEO quyền lực châu Á 2023

Advertisements

Mặc dù là “phái yếu” nhưng nhiều nữ doanh nhân đã nắm giữ những vị trí hàng đầu tại các doanh nghiệp tầm cỡ. Trong danh sách 20 nữ CEO có sức ảnh hưởng nhất châu Á 2023 do Forbes công bố mới đây, có 7 “nữ cường” đến từ khu vực Đông Nam Á. 

Carolyn Choo 

Carolyn Choo hiện đang là Giám đốc điều hành Worldwide Hotels – chuỗi khách sạn bình dân được thành lập năm 1995 bởi người cha tỷ phú Choo Chong Ngen của cô tại Singapore. Năm 2002, Carolyn Choo nghỉ việc tại một ngân hàng để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của gia đình với vị trí đầu tiên ở bộ phận tài chính. Năm 2017, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Worldwide Hotels. Forbes đánh giá cao sự thành công trong quá trình chuyển đổi, mở rộng tập đoàn sang phân khúc trung cấp trên khắp châu Á-Thái Bình Dương kể từ khi bà nhậm chức. 

Hiện nay, tập đoàn Worldwide Hotels đang sở hữu 38 khách sạn ở Singapore, 11 khách sạn ở Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc. Theo nữ CEO 45 tuổi, trong thập kỷ tới, việc tạo dấu ấn toàn cầu của Worldwide Hotels sẽ là ưu tiên hàng đầu. Tuy vậy, tập đoàn này cũng không hứng thú với resort và khách sạn hạng sang. 

Tracy Ma 

Một nữ doanh nhân Singapore khác cũng nằm trong top 20 nữ CEO quyền lực châu Á của Forbes là Tracy Ma. Nữ doanh nhân 47 tuổi từng tốt nghiệp MBA tại Đại học Chicago. Năm 2005, Tracy Ma trở thành nhân viên đầu tiên được nhà sáng lập Zhang Lei thuê vào làm việc tại Hillhouse. Sau gần 20 năm, Tracy Ma đã trở thành đối tác sáng lập, đồng chủ tịch và đồng giám đốc điều hành quỹ đầu tư Hillhouse với trị giá tài sản hơn 100 tỷ USD. Quỹ đầu tư này cũng đang là là cổ đông của Tencent, JD.com và Airbnb. 

Forbes cũng dành lời ngợi khen Hillhouse Capital Management bởi doanh nghiệp này đã tiên phong trong việc đảm bảo đa dạng giới tính người lao động trong số các công ty cổ phần tư nhân ở châu Á. “Hơn một nửa số nhân viên của công ty là phụ nữ và gần 40% là nhân viên cấp cao. Trong khi đó, chỉ hơn 20% nhân viên trong quỹ đầu tư tư nhân trên toàn cầu là phụ nữ và chưa đến 15% nhân viên cấp cao,” Forbes nhấn mạnh. 

Junita Ciputra 

Junita Ciputra tốt nghiệp cử nhân tài chính ở Đại học San Francisco, sở hữu bằng MBA về tài chính và bất động sản của Đại học Nam California. Năm 1988, Junita Ciputra gia nhập tập đoàn phát triển bất động sản Ciputra do người cha quá cố thành lập với vai trò giám đốc tài chính. Đến nay, bà vẫn cùng chị gái Rina và các em trai Cakra và Candra tiếp tục điều hành tập đoàn gia đình. 

Bên cạnh vị trí giám đốc của một số công ty thành viên của tập đoàn, nữ doanh nhân Indonesia hiện đang đảm nhận vị trí Chủ tịch Metropolitan Land – một công ty chuyên xây dựng các tòa nhà thương mại ở Jakarta. Công ty này cũng điều hành các trung tâm thương mại, khách sạn ở Jakarta, Cirebon và Bali. 

Hiện tại, nữ tướng 62 tuổi vẫn đang tích cực tham gia điều hành quỹ của Ciputra, chú trọng đầu tư về giáo dục và khởi nghiệp với mục tiêu tạo ra hàng triệu doanh nhân ở Indonesia như mục tiêu của người cha quá cố. 

Meliza Musa Rusli

Sau khi lấy bằng cử nhân kỹ thuật điện tại Đại học Indonesia, Meliza Musa Rusli gia nhập ngành dịch vụ tài chính và làm việc tại các tập đoàn danh tiếng như Goldman Sachs, Lehman Brothers, UBS và Credit Suisse. Bà từng giữ vị trí cấp cao tại Astra International, Accenture, Solusi Mobilitas Bangsa. 

Tháng 5/2022, từ vị trí Phó Tổng Giám đốc, nữ doanh nhân 49 tuổi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Permanta, trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu ngân hàng thuộc hàng top 10 ở Indonesia. Sau khi được bổ nhiệm, bà tập trung vào việc phát triển cơ sở khách hàng trong nước và quốc tế của ngân hàng nhằm cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới tốt nhất. 

Direktur Utama Bank Permata Meliza Musa Rusli di Gedung WTC 2, Jakarta, 2 Juni 2022. Tempo/Tony Hartawan

Piyajit Ruckariyapong 

Tiền thân là Sapanan, công ty Sappe được cha mẹ của Piyajit Ruckariyapong thành lập vào năm 1988 chuyên sản xuất đồ ăn nhẹ, sau đó chuyển hướng sang kinh doanh thức uống vào đầu những năm 2000.

Sau 15 năm làm việc tại ngân hàng, Piyajit gia nhập công ty gia đình vào năm 2012 với tư cách là giám đốc tài chính và chỉ 3 năm sau đó, bà kế nhiệm vị trí CEO của anh trai Adisak. Nhờ chiến lược thâm nhập vào các thị trường mới bằng tiếp thị kỹ thuật số đến người tiêu dùng trẻ, kể từ năm 2015, bà đã tăng gấp đôi số lượng thị trường xuất khẩu của tập đoàn thực phẩm và nước uống nổi tiếng đến từ Thái Lan lên con số 98 thị trường trên toàn thế giới. Nữ giám đốc 48 tuổi hiện đang nỗ lực biến Sappe thành một thương hiệu được công nhận trên toàn cầu và tăng gấp đôi doanh thu lên 10 tỷ baht (tương đương 287 triệu USD) vào năm 2026.

Suphajee Suthumpun 

Trước khi gia nhập công ty Dusit International, Suphajee Suthumpun là Giám đốc điều hành của Thaicom – công ty điều hành vệ tinh tư nhân duy nhất của Thái Lan. Bà đã giúp chấm dứt chuỗi nhiều năm thua lỗ và đưa công ty trở về trạng thái có lãi ngay trong quý đầu tiên tham gia công ty. Trước đó, bà từng có 20 năm gắn bó với tập đoàn IBM. 

Năm 2016, Suphajee Suthumpun đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành tập đoàn Dusit International. Kể từ đó, các khách sạn và resorts của tập đoàn này tăng trưởng thần tốc, từ 27 khách sạn ở 8 quốc gia lên con số 340 ở 20 quốc gia. Nữ doanh nhân 59 tuổi cũng mở ra các ngành kinh doanh mới cho tập đoàn như sản xuất thực phẩm và cung cấp dịch vụ ăn uống, đồng thời đặt mục tiêu niêm yết Dusit Foods vào đầu năm 2025. Ngoài ra, Suphajee Suthumpun hiện đang thúc đẩy dự án trị giá 46 tỷ baht (tương đương 1,3 tỷ USD) nhằm tái phát triển khách sạn Dusit Thani Bangkok danh tiếng thành một khu phát triển phức hợp hiện đại.

Anna Ma. Margarita B. Dy 

Anna Ma. Margarita B. Dy sở hữu bằng MBA của Trường Quản trị Kinh doanh Harvard, tốt nghiệp hạng ưu từ Chương trình Danh dự Kinh tế của Đại học Ateneo De Manila và lấy bằng Thạc sĩ Kinh tế tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn. Từ 18 năm trước, nữ doanh nhân đã gia nhập Ayala Land và năm 2008, bà đã bắt đầu tham gia vào ban quản lý. Tháng 10 vừa qua, bà trở thành nữ CEO đầu tiên của tập đoàn phát triển bất động sản do gia đình tỷ phú Jaime Zobel de Ayala kiểm soát. Trước đó, nữ doanh nhân 54 tuổi đã giám sát nhiều dự án nhà ở cao cấp của Ayala Land với tư cách là giám đốc điều hành và người đứng đầu nhóm kinh doanh nhà ở.

Lợi nhuận ròng của tập đoàn phát triển bất động sản lớn thứ hai Philippines đã tăng 41% trong sáu tháng đầu năm 2023 so với một năm trước đó lên 11,4 tỷ peso (tương đương 200 triệu USD).