Đại dịch Covid-19, khởi phát từ cuối tháng 12/2019 tại Trung Quốc, đã lan rộng toàn thế giới. Sau hơn một năm, đến nay, đại dịch này vẫn chưa được khống chế dù đã có nhiều vắc-xin được cấp phép. Nguồn cung vắc-xin hạn chế khiến các nước đang phát triển và các nước nghèo chưa thể tiếp cận đầy đủ vắc-xin để tiêm chủng rộng rãi cho dân chúng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi môi trường làm việc để vượt qua đại dịch.
- Môi trường làm việc linh hoạt
Trên thế giới, các doanh nghiệp đã thực hiện chính sách làm việc linh hoạt trong bối cảnh Covid-19. Với những công việc không đòi hỏi phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, làm việc tại nhà được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Khi người lao động làm việc tại nhà, việc vận hành của các doanh nghiệp vẫn được đảm bảo mặc dù việc phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại được áp dụng. Với những công việc không thể làm tại nhà, việc chia ca trong ngày và chia đều lịch làm việc cả tuần để đảm bảo giãn cách xã hội cũng được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp.
- Sử dụng công nghệ hỗ trợ
Để đảm bảo hoạt động hiệu quả, các doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ hỗ trợ thực hiện công việc và quản lý người lao động. Các nền tảng họp trực tuyến như Zoom được sử dụng để họp nhóm hoặc công ty khi cần thiết mà không yêu cầu người lao động phải tập trung tại một địa điểm cụ thể. Các phần mềm office như Office 365, các nền tảng quản lý dựa trên điện toán đám mây cũng được sử dụng để giúp người lao động dễ dàng truy cập thông tin, thực hiện các công việc và giúp quản lý có thể đo lường mức độ hoàn thành công việc của nhân viên. Với nhiều công ty, internet, mạng xã hội cũng được sử dụng để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Chẳng hạn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giải trí đã phát các bộ phim dự kiến chiếu rạp thông qua các phương tiện truyền phát trực tiếp (streaming) có thu phí để đảm bảo vẫn có doanh thu khi rạp đóng cửa do Covid-19. Các doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh bán hàng online khi thực hiện giãn cách xã hội.
- Tái cấu trúc để thúc đẩy việc ra quyết định hiệu quả
Trong bối cảnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất phải đối mặt với việc gián đoạn chuỗi cung ứng (chẳng hạn công ty sữa gặp khó khăn trong việc vận chuyển, bao gồm các hoạt động logistics). Do vậy, việc ra quyết định theo mô hình truyền thống qua rất nhiều cấp có thể gây mất thời gian và không hiệu quả khi thực tế ở các địa phương thay đổi nhanh chóng do bệnh dịch. Để giúp việc ra quyết định hiệu quả hơn, các công ty trên thế giới đã trao quyền cho những người phụ trách ở các khu vực, giúp họ có thể dễ dàng ra quyết định dựa trên tình hình địa phương miễn là quyết định đó phù hợp với mục tiêu chiến lược của công ty.
- Tìm kiếm mô hình hợp tác mới
Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho các ngành du lịch, hàng không, giải trí, v.v. Đặc biệt, ngành hàng không và du lịch phải hủy rất nhiều chuyến bay và các tour du lịch khi đại dịch ở giai đoạn đỉnh điểm. Để có thể làm việc với khách hàng hiệu quả, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng và tránh những chỉ trích của khách hàng đối với công ty, mô hình hợp tác mới giữa các bộ phận của công ty được thực hiện. Thay vì hoạt động theo các phòng ban riêng lẻ, các nhóm ứng phó nhanh chóng với đại dịch được thiết lập gồm thành viên của các phòng ban khác nhau để đảm bảo việc ra quyết định nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả. Chẳng hạn, bộ phận IT phát triển ứng dụng cho phép khách hàng nhanh chóng thực hiện lệnh hủy tour hay chuyến bay, bộ phận thương mại nhanh chóng hoàn thiện chính sách cho người dùng, bộ phận truyền thông kết hợp với bộ phận IT để kịp thời thông tin tới khách hàng, v.v.
- Khuyến khích học tập
Các doanh nghiệp trên thế giới cũng tập trung khuyến khích nhân viên học tập để có thể kịp thời đối phó với những thay đổi trong kinh doanh do đại dịch mang lại. Việc nắm vững các quy định về an toàn cũng rất hữu ích để nhân viên có thể an toàn trong đại dịch và bảo vệ sự an toàn của khách hàng.
- Thay đổi cách đánh giá hiệu quả công việc
Do môi trường làm việc linh hoạt, việc đánh giá công việc của nhân viên không thể thực hiện theo cách truyền thống (kiểm tra vân tay, kiểm tra việc đi làm đúng giờ, v.v.). Do đó, các doanh nghiệp cũng thay đổi cách đánh giá hiệu quả công việc. Chẳng hạn, công việc của nhân viên được lượng hóa và đo lường bằng các chỉ tiêu, các mốc thời gian để hoàn thành công việc, các bản tự báo cáo của nhân viên, phản hồi của khách hàng hoạt động của công ty, tình hình cập nhật các công việc trên phần mềm quản lý của nhân viên và giải quyết các phân công công việc hàng ngày, v.v.