Site stats 6 loại thảo dược quý đối với sức khỏe – Brain Berries

6 loại thảo dược quý đối với sức khỏe

Advertisements

Thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam nhiều loại thảo dược quý. Có những thảo dược rất gần gũi với bạn bởi nó được sử dụng như một gia vị trong bữa ăn hàng ngày. Có những thảo dược có thể bạn chưa biết nhưng công dụng rất hữu hiệu. Hãy cùng tìm hiểu 6 loại thảo dược quý đối với sức khỏe này nhé!

  1. Bồ công anh

Bồ công anh còn gọi là cây diếp hoang, cây rau lưỡi mũi cày, câu diếp trời, v.v. Lá bồ công anh có thể dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần với nhiều tác dụng cho sức khỏe. Lá bồ công anh tươi hoặc khô có thể đun lấy nước uống trong trường hợp tắc tia sữa, viêm hoặc sưng tuyến vú. Nước lá bồ công anh cũng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, chống khối u hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu bạn bị đau dạ dày, ăn uống khó tiêu, viêm ruột thừa, viêm gan cấp, rối loạn gan mật, lá bồ công anh nấu lấy nước uống cũng có tác dụng rõ rệt. Hoa bồ công anh có thể sử dụng làm trà uống với các tác dụng tương tự. Tuy nhiên, người không bị sưng nóng, không bị khí trệ thì không nên dùng bồ công anh.

  1. Gừng

Gừng là một gia vị quen thuộc của nhiều món ăn, đồng thời gừng cũng là một vị thuốc đông y được sử dụng phổ biến. Trà gừng có thể trị các chứng buồn nôn do ốm nghén, buồn nôn sau phẫu thuật, giảm chứng ợ nóng và hỗ trợ điều trị các chứng trào ngược dạ dày. Bên cạnh đó, trà gừng cũng hỗ trợ giảm cân do tác dụng tăng cường trao đổi chất và tiêu hủy mỡ thừa, trị ho kháng viêm nhờ chất  gingerol có trong gừng, giải cảm, đặc biệt là cảm lạnh, cảm cúm, và điều hòa đường huyết, giảm cholesterol xấu.

Khi khoang miệng của bạn bị lở loét, hãy dùng nước gừng tươi để xúc miệng khoảng 2 đến 3 lần mỗi ngày, vết lở loét sẽ chóng liền. Khi bạn bị viêm nha chu, sử dụng nước gừng tươi nóng để xúc miệng hai lần mỗi ngày cũng sẽ có hiệu quả. Khi bạn bị đau nửa đầu, dùng nước gừng nóng xoa đều vào tay rồi xoa bóp khắp đầu, cơn đau nửa đầu sẽ dịu xuống, thậm chí hoàn toàn biến mất. Khi bạn bị đau lưng, đau vai, sử dụng nước gừng nóng pha với chút muối và dấm để xoa bóp chỗ đau cũng có hiệu quả giảm đau rõ rệt do tác dụng kích thích lưu thông máu và thư giãn cơ bắp. Sử dụng nước gừng tươi nóng ngâm chân trong vòng 15-20 phút cũng giúp mạch máu giãn nở, có tác dụng giảm huyết áp.

  1. Tỏi

Tỏi có rất nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe. Chất sulfur trong tỏi có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm nên tỏi có thể dùng để phòng ngừa và chữa trị cảm cúm. Hoạt chất diallyl disulphide, s-allystein và ajoene trong tỏi có tác dụng làm chậm hoặc giảm kích thước của khối u nên tỏi được xem là một thảo dược tự nhiên chống ung thư, đặc biệt là các loại ung thư vòm họng, dạ dày, thực quản, bàng quang, tiền liệt tuyến, và gan. Với các vitamin như C, B6; các khoáng chất như mangan, kẽm; và các chất chống oxy hóa, tỏi giúp hấp thụ canxi tốt hơn, làm chậm quá trình loãng xương, giảm đau nhức xương khớp. Tỏi cũng có tác dụng giảm quá trình lão hóa của động mạch chủ, giảm cholesterol xấu, loại bỏ các mảng xơ vữa, giảm độ nhớt của máu, làm giãn cơ trơn, và kiểm soát huyết áp.

Hàng ngày, bạn có thể thêm tỏi vào bữa ăn bằng cách nấu các món ăn cần tỏi như một gia vị. Bạn cũng có thể thêm tỏi vào nước chấm, ăn sống tỏi, hoặc sử dụng tỏi đen (tỏi trắng đã được chế biến để lên men) để có thể tận dụng những lợi ích của loại thảo dược này. Tuy nhiên, bạn không nên ăn tỏi khi đói để tránh kích thích dạ dày.

  1. Hẹ

Trong hẹ có chất kháng viêm sulfide được xem là mạnh hơn so với thuốc kháng sinh. Chất này cũng có khả năng nâng cao sức đề kháng và tăng khả năng hấp thụ vitamin B1 và A. Bên cạnh đó, hẹ cũng là nguồn chứa vitamin C, E, beta carotene dồi dào nên có tác dụng chống oxy hóa. Chất allicin trong hẹ giúp làm giảm huyết áp và ngăn ngừa sự gia tăng của cholesterol xấu trong cơ thể.

Bạn có thể sử dụng hẹ như một gia vị cho món ăn (trứng rán với hẹ, canh hẹ nấu với đậu hũ non, canh hẹ nấu với sườn non, v.v.) hoặc như một bài thuốc. Chẳng hạn, khi chữa cảm lạnh, ho do lạnh, bạn có thể dùng 250g hẹ và 25g gừng tươi cho thêm chút đường, hấp chín và ăn cả cái lẫn nước trong khoảng 3-5 ngày, tùy mức độ của bệnh. Khi bị đau răng, bạn có thể giã nát hẹ, đặt vào chỗ đau liên tục cho đến khi khỏi. Khi bị tiểu đường, bạn có thể dùng 100g-200g hẹ nấu cháo, nấu canh, hoặc xào để ăn liên tục trong 10 ngày (không sử dụng muối). Để bổ mắt, bạn có thể xào hẹ (150g) với gan dê (150g) ăn trong 10 ngày liên tục, v.v.

  1. Rau mùi

Rau mùi có thể giúp cơ thể thanh lọc máu, giảm cholesterol xấu, giảm homocysteine – chất gây hại cho mạch máu. Thêm nữa, trong rau mùi còn chứa folate có tác dụng kiềm chế các enzyme gây hại cho cơ thể, đặc biệt là hệ thống tim mạch. Các chất chống oxy hóa trong rau mùi như vitamin C, E, beta carotene, ferulic, kaempferol, quercetin, axit caffeic, v.v. còn có tác dụng ngăn ngừa ung thư. Rau mùi cũng có tác dụng kiểm soát đường máu nên hỗ trợ tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Để có thể tận dụng những lợi ích của rau mùi, bạn có thể thêm rau mùi vào bữa ăn hàng ngày như một loại gia vị. Bạn nên ăn sống loại rau này để đảm bảo tận dụng tối đa các chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất trong rau mùi.

  1. Cây khổ sâm cho lá

Cây khổ sâm cho lá chứa các chất như alcaloid, flavonoid, β – sitosterol, acid benzoic, stigmasterol, tecpenoid, v.v. Những chất này có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, và kiềm chế sự phát triển của ung thư. Những chất này còn có tác dụng chống vi trùng sốt rét Plasmodium falciparum hữu hiệu. Trong dân gian, cây khổ sâm cho lá thường được dùng để chữa các bệnh về đường tiêu hóa, dạ dày, kiết lị bằng cách dùng lá khổ sâm đã sao vàng, phơi khô, hoặc để tươi, sắc đặc với nước và uống sau khi ăn.