Site stats 7 thông tin cơ bản về biến chủng Omicron – Brain Berries

7 thông tin cơ bản về biến chủng Omicron

Advertisements

Sau biến chủng nguy hiểm Delta, biến thể mới của SARS-nCoV-2 vừa được phát hiện có tên là Omicron. Sự xuất hiện của biến chủng này đang làm dấy lên lo ngại về khả năng bùng phát, khó kiểm soát của đại dịch Covid-19.

Nguồn gốc Omicron

Thông tin về biến chủng Omicron (B.1.1.529) được báo cáo lần đầu tại Nam Phi hôm 24/11 từ mẫu xét nghiệm ngày 9/11. Các ca nhiễm Omicron đầu tiên là 2 người đàn ông ở thành phố Johannesburg. Hai ngày sau mẫu xét nghiệm đầu tiên, biến chủng này đã lan sang quốc gia Botswana. Ngày 26/11, Nam Phi chính thức phát đi cảnh báo về Omicron. Theo đánh giá của một số nhà khoa học, biến chủng này có thể xuất phát từ vùng Nam sa mạc Sahara bởi nơi đây có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin thấp.

Khả năng lây nhiễm của Omicron

Nói về khả năng lây nhiễm của Omicron, Giám đốc Trung tâm đổi mới và ứng phó dịch bệnh của Nam Phi – Tulio de Oliveira đã chia sẻ trên Twitter: “B.1.1.529 dường như lây lan rất nhanh!”.

Theo kết quả giải trình tự gen, biến thể Omicron mang đột biến D614G, có thể giúp virus bám sâu vào các tế bào, tăng khả năng lây nhiễm. Một nghiên cứu khác cho hay, Omicron là biến thể có nhiều đột biến nhất của virus corona bởi loại biến chủng này có tới 32 đột biến ở protein gai, thành phần quan trọng để virus bám vào các tế bào. Các nhà khoa học tại Đại học Texas (Mỹ) cho rằng, đột biến mới khiến virus nhân lên tốt hơn ở mũi và cổ họng, có khả năng làm cho virus lây lan nhiều hơn khi bệnh nhân hít thở, hắt hơi và ho.

Ngoài ra, cố vấn y tế chính của Cơ quan An ninh Y tế Anh – Tiến sĩ Susan Hopkins cho biết, hệ số lây truyền của Omicron là 2 – là mức độ lây truyền lớn chưa từng có kể từ khi Covid-19 bắt đầu bùng nổ, khiến Omicron có thể trở thành biến thể “tồi tệ nhất” của SARS-nCoV-2.

Triệu chứng điển hình

Theo bác sĩ Angelique Coetzee – Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, các bệnh nhân nhiễm Omicron xuất hiện các biểu hiện như mệt mỏi nghiêm trọng trong 1 hoặc 2 ngày, sau đó sẽ bị đau nhức toàn thân và đau đầu. Về cơ bản, các triệu chứng này đều ở thể nhẹ. Ngoài ra, không có bệnh nhân nào bị mất vị giác hoặc khứu giác như các bệnh nhân nhiễm biến thể Covid-19 khác.

Trong một phát biểu ở cuộc họp địa phương, tiến sĩ Unben Pillay, bác sĩ đa khoa ở tỉnh Gauteng (Nam Phi) cũng cho biết, mặc dù số ca nhiễm liên quan đến biến thể mới tăng lên nhưng những ca này có xu hướng gây ra các triệu trứng nhẹ. Các triệu chứng xuất hiện gồm ho khan, sốt, đổ mồ hôi ban đêm, khó chịu và đau nhức toàn thân. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, đây chỉ là giai đoạn đầu nên rất khó đưa ra kết luận chính xác về tính nghiêm trọng của biến thể mới.

Omicron có nguy hiểm không?

Theo thông tin từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), trong số 44 trường hợp nhiễm Omicron ở châu Âu, vẫn chưa có trường hợp nghiêm trọng hoặc tử vong (tính đến ngày 30/11).

Trong khi đó, trong một tuyên bố ngày 28/11, WHO nhận định, vẫn chưa rõ biến thể mới Omicron có khiến bệnh nặng hơn hay không. Cơ quan y tế này cho biết, cần vài ngày hoặc thậm chí vài tuần mới có thể kết luận được mức độ nghiêm trọng của siêu biến thể mới. Tuy nhiên, từ các bằng chứng sơ bộ, WHO lưu ý nguy cơ tái nhiễm của Omicron có thể cao hơn.

Tác động của Omicron và vắc-xin

Sự xuất hiện của biến thể khiến các hãng dược tập trung xem xét tác động của Omicron đối với những người đã tiêm vắc-xin. Trong đó, nhà sản xuất vắc xin Moderna đang thử nghiệm hiệu quả của liều vắc xin tăng cường với biến thể mới. AstraZeneca cũng đang thu thập dữ liệu và nghiên cứu hiệu quả của vắc-xin đối với Omicron. Được biết, AstraZeneca đang thử nghiệm kháng thể đơn dòng AZD7442 đối với siêu biến thể mới và hy vọng loại thuốc này sẽ hiệu quả. Pfizer khẳng định hãng sẽ phát loại vắc-xin mới trong khoảng thời gian khoảng 100 ngày nếu biến chủng mới “thoát” khỏi hàng rào miễn dịch của các loại vắc-xin hiện có. Johnson & Johnson cũng đang theo dõi và đánh giá hiệu quả vắc xin của họ với biến thể Omicron.

Những quốc gia nào đã ghi nhận các ca dương tính với Omicron?

Sau khi biến chủng mới Omicron khởi phát ở Nam Phi và được phát hiện ở nước láng giềng Botswana, một số bệnh nhân nhiễm biến thể mới đã được phát hiện ở nhiều quốc gia khác. Tại Hà Lan, 61/600 hàng khách bay về từ Nam Phi đã phát hiện dương tính với Covid-19 và 13 trong số đó nhiễm chủng Omicron. Chùm ca nhiễm này ở Hà Lan đánh dấu nguy cơ về tốc độ lan truyền rộng rãi của Omicron tại châu Âu, làm dấy lên lo sợ siêu biến thể này đã ăn sâu vào châu lục này.

Đến nay, biến thể Omicron đã xuất hiện ở Anh, Italy, Pháp, Canada, Đức, Đan Mạch, Áo, Séc, Bỉ, Israel, Australia và Hồng Kông (Trung Quốc). Tại Việt Nam, hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể mới Omicron.

Các quốc gia ứng phó với Omicron thế nào?

Ngay sau khi có thông tin về sự xuất hiện của biến chủng Omicron, nhiều quốc gia đã ban hành chính sách hành động khẩn cấp để ứng phó với biến thể Covid-19 mới.

Từ ngày 25/11, Anh đã bổ sung 6 quốc gia châu Phi gồm Nam Phi, Botswana, Namibia, Lesotho, Eswatini và Zimbabwe vào danh sách cấm nhập cảnh. Mỹ và Liên minh châu Âu cũng cấm chuyến bay từ Nam Phi và khu vực lân cận từ ngày 29/11.

Tại châu Á, ngay khi WHO đưa Omicron vào danh sách các “biến thể gây quan ngại”, ngày 26/11, Nhật Bản đã siết chặt quy định nhập cảnh đối với những người từng đến 9 nước châu Phi. Đến ngày 30/11, quốc gia này quyết định tạm ngưng nhập cảnh đối với toàn bộ khách doanh nhân và sinh viên nước ngoài nhằm ngăn chặn nguy cơ Omicron xâm nhập.

Truyền thông Thái Lan cũng cho biết, đất nước Chùa vàng sẽ cấm khách từ 8 quốc gia ở nam châu Phi. Trong khi đó, Singapore cũng cấm nhập cảnh đối với khách từng đến 7 nước châu Phi. Tại Indonesia, chính phủ nước này cũng quyết định ngừng nhập cảnh với du khách quốc tế từng đến 10 nước châu Phi và Hồng Kông (Trung Quốc) trong vòng hai tuần trở lại đây.