Site stats Covid-19 đã làm thay đổi lối sống như thế nào? – Brain Berries

Covid-19 đã làm thay đổi lối sống như thế nào?

Advertisements

Năm 2020 đã để lại những dấu ấn khó quên cho thế kỷ 21 với sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19. Kể từ đây, lối sống con người trên toàn thế giới cũng đã thay đổi để thích ứng với thời kì đại dịch. 

Làm việc tại nhà 

Giãn cách xã hội và hạn chế đi lại đã khiến các công ty khuyến khích nhân viên của mình làm việc ở nhà nhiều hơn. Nhân viên có thể chỉ đến văn phòng vài ngày trong tuần hoặc không cần đến văn phòng tùy theo tính chất công việc. Theo một ước tính của Đại học Stanford, có đến 42% người lao động Mỹ đang làm việc từ xa. 

Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là các ứng dụng họp hành từ xa như Zoom, Google Meet cũng khiến cho việc làm việc tại nhà trở nên dễ dàng hơn. Làm việc tại nhà cũng được xem là giải pháp để các công ty cắt giảm tối đa chi phí mặt bằng và các chi phí văn phòng trong thời kì dịch bệnh. Về phía nhân viên, việc làm việc tại nhà giúp họ giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí giao thông, đảm bảo sự an toàn, có thể lựa chọn “không gian làm việc” theo ý thích và linh động sắp xếp thời gian chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, làm việc tại nhà cũng có thể khiến người lao động làm việc không hiệu quả nếu không có biện pháp quản lý phù hợp. Để đạt kết quả cao khi làm việc tại nhà, người lao động cũng cần biết cách tạo động lực, quản lý thời gian hiệu quả và tập trung vào công việc, giữ gìn tác phong chuyên nghiệp khi làm việc. Đối với xã hội, làm việc tại nhà sẽ góp phần làm giảm khí thải cho môi trường do giảm lượng giao thông đồng thời tối ưu hóa nguồn lực khan hiếm của xã hội. 

Việc tìm ra vắc-xin đã hứa hẹn khả năng kiểm soát dịch bệnh trong tương lai. Tuy vậy, làm việc tại nhà vẫn có thể là xu hướng làm việc phổ biến trên thế giới ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát do những lợi ích to lớn mà nó đem lại cho cả công ty,  người lao động và xã hội. 

Tiêu dùng từ xa

Để hạn chế tối đa mức độ lây lan của dịch bệnh, bên cạnh việc làm việc từ xa, các Chính phủ cũng khuyến khích người dân tiêu dùng từ xa thay vì đến các cửa hàng để trải nghiệm mua sắm trực tiếp. Từ tháng 3/2020, Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) ghi nhận, cứ 10 người thì có đến 9 người đã thay đổi cách mua sắm. Riêng tại Việt Nam, người tiêu dùng cởi mở hơn với các hình thức mua sắm online, kể cả đối với các loại thực phẩm. Theo Công ty công nghệ quốc tế Criteo, có 76% người tiêu dùng tại Việt Nam cho biết họ mua hàng trực tuyến nhiều hơn so với thông thường trong năm 2020. 

Hành vi tiêu dùng thay đổi cũng khiến các hãng bán lẻ nhanh chóng đưa ra các giải pháp công nghệ mới để phát triển kinh doanh trực tuyến. Các buổi phát sóng trực tiếp để bán hàng cũng được chú ý hơn, ví dụ như công cụ Shopee Live cũng được các nhãn hàng sử dụng thường xuyên hơn. 

Mặt nạ – phụ kiện kiểu mới

Dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra một thay đổi lớn khi người dân trên thế giới đã thích nghi với việc đeo khẩu trang. Đây là “phụ kiện” không thể thiếu của bất kể ai, không phân biệt giới tính, tuổi tác, hay văn hóa.  Từ khi dịch bệnh bắt đầu lây lan, khẩu trang y tế và khẩu trang vải đã trở thành các mặt hàng “hot” nhất tại các cửa hàng y tế, siêu thị. Đeo khẩu trang đã trở thành thói quen cần thiết như việc mang theo điện thoại hoặc ví tiền khi bước ra khỏi nhà. 

Đáp ứng xu hướng này, các nhà sản xuất đã mạnh dạn thiết kế và sản xuất các mẫu khẩu trang thời thượng nhằm nâng cao giá trị thẩm mĩ của người dùng. Tại các sự kiện thảm đỏ năm 2020, ngoài trang phục, khẩu trang trở thành phụ kiện được nhiều mỹ nhân chăm chút hơn bao giờ hết. 

Sống chậm – Sống tối giản

Việc hạn chế đi lại và tình hình kinh tế khó khăn đã khiến mọi người sống tối giản hơn. Các khoản chi tiêu không cần thiết được cắt giảm tối đa nhằm đảm bảo nguồn tiền dự trữ cho tương lai. Chẳng hạn, người tiêu dùng cắt giảm việc mua sắm ngẫu hứng, tiết kiệm nhiều hơn hoặc chỉ tập trung vào mua sắm những sản phẩm thực sự cần thiết. Theo Stefanie Lewis – Giám đốc Ngân hàng Wells Fargo, có hơn 16% thế hệ Z (người sinh sau năm 1995) và 18% thế hệ Y (người sinh từ năm 1981 đến 1995) đã bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn để nghỉ hưu kể từ khi đại dịch bùng phát. 

Trong đại dịch, các hoạt động giao lưu, tiệc tùng cũng được giảm bớt. Thay vào đó là các bữa cơm tại gia ấm cúng. Mọi người chú ý hơn tới các bữa ăn dinh dưỡng tự nấu có lợi cho sức khỏe và thậm chí nhiều người còn bất ngờ với khả năng “siêu đầu bếp” ẩn giấu bấy lâu nay bỗng nhiên “trỗi dậy” nhờ Covid-19. 

Khi ở nhà nhiều hơn, người ta cũng dành thời gian nhiều hơn để sống chậm và tận hưởng cuộc sống, từ đọc sách, chăm sóc bản thân, học thêu thùa, làm bánh, chăm cây cỏ, v.v. để cảm nhận ý nghĩa cuộc sống và lạc quan hơn trước dịch bệnh. 

Đại dịch Covid-19, ở góc độ tích cực, đã giúp con người tìm về với giá trị đích thực của cuộc sống và tận hưởng những giá trị dung dị, đơn giản nhưng ý nghĩa xung quanh mình.