Kể từ cuối tháng 12/2019 đến nay, Covid-19 đã và đang tiếp tục lan rộng khắp thế giới dù các quốc gia đã nỗ lực kiểm soát. Khi mùa đông 2020 đang đến gần, đại dịch này được dự báo sẽ tiếp tục thách thức các quốc gia với một mùa đông đen tối. Nhìn lại suốt gần 1 năm qua, dịch bệnh này đã trải qua hai làn sóng lớn trên phạm vi toàn cầu.
Làn sóng thứ nhất (từ 12/2019 – đầu tháng 6/2020)
Tháng 12/2019, ca nhiễm Covid đầu tiên đã được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc và sau đó, căn bệnh truyền nhiễm này đã nhanh chóng lan rộng khắp đất nước đông dân nhất thế giới. Trung Quốc đã thực hiện một loạt các chính sách kiềm chế dịch như đóng cửa tỉnh Hồ Bắc, hạn chế đi lại, khuyến khích đeo khẩu trang và vệ sinh phòng dịch. Tuy vậy, dịch bệnh này đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc và lan rộng khắp thế giới kể từ tháng 2/2020, đánh dấu làn sóng thứ nhất của Covid-19 trên toàn thế giới.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, nhiều quốc gia đã khống chế thành công căn bệnh này như Trung Quốc, Nhật Bản, Ireland, Úc, Việt Nam, Hồng Kông. Sau khi đạt đỉnh về số ca nhiễm vào ngày 12/2/2020 với 14.108 trường hợp/ngày, số ca nhiễm ở Trung Quốc giảm dần và ở mức dưới 60 trường hợp mắc mới/ngày vào cuối tháng 5/2020. Ở Nhật Bản, số ca nhiễm mới trong ngày tăng lên 743 ca khi đỉnh dịch xuất hiện vào ngày 11/4/2020. Sau đó, số ca nhiễm mới giảm dần với ít hơn 40 ca/ngày vào giữa tháng 6/2020. Ở New Zealand, số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất vào 28/3/2020 với 146 ca. Đến 5/2020, New Zealand đã khống chế dịch tốt với số ca nhiễm mới nhỏ hơn 5 ca/ngày. Ở Úc, số ca mắc mới/ngày đạt mức cao nhất vào cuối tháng 3/2019 với hơn 500 trường hợp/ngày. Sau đó, Úc đã giảm số ca mắc mới xuống còn xung quanh 5 ca/ngày vào cuối tháng 5/2020. Ở Việt Nam, với những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, nên dịch đã được kiểm soát trong cộng đồng. Ở Hồng Kông, số ca mắc mới/ngày lên đến đỉnh vào ngày 29/3/2020 với 82 ca. Sau đó, số ca đã giảm và ở mức ít hơn 5 ca/ngày vào cuối tháng 5/2020. Tương tự, ở các nước Châu Âu, Covid-19 đã cơ bản được khống chế với số ca nhiễm mới giảm mạnh từ tháng 5/2020.
Làn sóng thứ hai (giữa tháng 6/2020–nay)
Làn sóng Covid-19 thứ 2 bắt đầu bùng phát từ giữa tháng 6/2020 do các quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch và mở cửa trở lại nền kinh tế. Ở Châu Á, hàng loạt các quốc gia như Nhật Bản, Israel, Úc, Campuchia, Việt Nam, v.v. đã bước vào làn sóng Covid-19 thứ hai với số ca mắc mới tăng lên nhanh chóng. Số người đang điều trị Covid-19 do làn sóng này gây ra cao hơn số người đang điều trị của làn sóng trước do làn sóng du lịch nội địa ồ ạt trong dịp hè và sự chủ quan của người dân trước đại dịch sau khi làn sóng thứ nhất được kiểm soát.
Ở Châu Âu, số ca mắc mới của làn sóng này tăng kỉ lục, vượt xa con số ca mắc mới ở đỉnh dịch của làn sóng trước. Ở Pháp, số ca mắc mới ở làn sóng này lên tới 86.852 ca/ngày vào ngày 7/11/2020, vượt xa con số 7.578 ca mắc mới/ngày hồi tháng 3/2020. Ở Đức, số ca mắc mới tăng lên 22.246 ca/ngày ngày 6/11/2020, vượt xa con số dưới 7.000 ca/ngày hồi đỉnh dịch của làn sóng thứ nhất. Tương tự, số ca mắc mới ở Tây Ban Nha, Bỉ, v.v. đều tăng lên chóng mặt trong làn sóng Covid-19 này. Khi mùa đông đang đến gần, dự báo các nước sẽ trải qua một mùa đông tồi tệ bởi sự hoành hành của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số người mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 51.941.671 người, với 1.282.179 người chết và 14.181.211 đang trong quá trình chữa bệnh.
Làn sóng nào cho Hoa Kỳ?
Hiện nay, Hoa Kỳ đang là vùng dịch lớn nhất trên thế giới với 10.568.714 ca nhiễm và số người chết lên tới 245.943, chiếm khoảng 4%, cao hơn tỷ lệ chung của thế giới (3%). Số ca nhiễm mới của Hoa Kỳ tăng lên hơn 34.000 ca/ngày vào cuối và đầu tháng 4/2020, sau đó giảm nhẹ xuống còn dưới 25.000 ca/ngày vào giữa tháng 7/2020. Do quyết định mở cửa nền kinh tế vội vàng ở nhiều tiểu bang, số ca nhiễm mới tăng lên nhanh chóng với mức hơn 79.000 ca/ngày vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, sau đó tiếp tục giảm nhẹ. Đầu tháng 11/2020, Hoa Kỳ vượt kỉ lục thế giới và kỉ lục trước đó với số ca nhiễm mới lên đến hơn 135.000 ca/ngày. So với thế giới, Hoa Kỳ không có những biện pháp hiệu quả để kiểm soát đại dịch Covid-19 tính đến thời điểm hiện tại. Rất nhiều người dân không thực hiện việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Tồng thống Donald Trump đã từng tuyên bố, Covid-19 đang biến mất nhưng trên thực tế, số ca nhiễm ngày càng tăng lên. Ông thậm chí cũng bị mắc Covid-19 vào tháng 10/2020. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các tiểu bang ưu tiên mục tiêu kinh tế nên mở cửa vội vàng trở lại. Khi mùa đông đang đến gần, số người Mỹ đang đứng trước nguy cơ cao về việc bùng phát căn bệnh này nếu không có biện pháp kiểm soát phù hợp.