Site stats Ai nên tiêm mũi 3 vắc-xin phòng ngừa Covid-19? – Brain Berries

Ai nên tiêm mũi 3 vắc-xin phòng ngừa Covid-19?

Advertisements

 Theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ, mũi vắc-xin tăng cường Covid-19 nên được tiêm cho những người có bệnh nền, những người trên 65 tuổi và những người có nguy cơ lây nhiễm cao. Tại Việt Nam, mũi 3 vắc xin Covid-19 bắt đầu được tiêm từ tháng 11/2021. Vậy đối tượng nào nên hoặc chưa nên tiêm mũi vắc-xin tăng cường này? 

Theo Bộ Y tế, việc tiêm phòng mũi tăng cường vắc-xin Covid-19 là cần thiết vì hiệu quả của vắc-xin giảm theo thời gian trong khi các biến chủng mới tiếp tục xuất hiện. Tuy vậy, do lượng vắc-xin còn hạn chế, việc tiêm mũi vắc-xin tăng cường được thực hiện theo thứ tự ưu tiên. 

Người bị suy giảm miễn dịch

Đối với những người suy giảm miễn dịch như những người đang mắc các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư máu, những người nhiễm virus HIV, người mắc bệnh tự miễn, v.v. hiệu quả của vắc-xin mũi cơ bản thấp hơn nhiều so với những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Do vậy, họ là đối tượng có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao và khả năng bệnh chuyển biến nặng hơn so với những nhóm đối tượng khác. Vì thế, đây là nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin mũi tăng cường, giúp họ có thêm “lá chắn” miễn dịch với Covid-19. 

Người già, người có bệnh nền 

Người già (trên 65 tuổi) và những người có bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, v.v. thường đối mặt với nguy cơ bệnh chuyển biến nặng khi bị nhiễm Covid-19 do phản ứng viêm quá mức, rối loạn đông máu và/hoặc do hệ miễn dịch suy yếu. Theo thống kê của CDC Hoa Kỳ, 8/10 trường hợp tử vong vì Covid-19 là người trên 65 tuổi. Vì vậy, nhóm đối tượng này cũng được ưu tiên tiêm ngừa mũi vắc-xin tăng cường. 

Những người làm việc ở môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao

Những người làm việc ở môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao như bác sĩ, y tá, những người tham gia phòng chống dịch Covid-19, những người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu, phải thường xuyên tiếp xúc với số đông v.v. cũng là nhóm đối tượng dễ mắc phải Covid19. Vì thế, nhóm đối tượng này cũng là một trong những nhóm cần được tiêm phòng mũi tăng cường. 

Những người đã tiêm vắc-xin Covid-19 liều cơ bản trên 6 tháng 

Đối với những người đã hoàn thành tiêm vắc-xin Covid-19 liều cơ bản trên 6 tháng, hiệu quả của vắc-xin đã giảm theo thời gian. Do vậy, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin khá thấp, đặc biệt là với những biến chủng mới. Để bảo vệ nhóm đối tượng này khỏi nguy cơ mắc Covid-19, mũi tăng cường nên được thực hiện. 

Những người đã nhiễm Covid-19 

Về lý thuyết, những người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin mà nhiễm Covid-19 thì không cần tiêm mũi tăng cường trong vòng 6 tháng bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu những người này có hệ miễn dịch suy yếu hoặc có bệnh nền và/hoặc lớn tuổi thì có thể tiêm mũi tăng cường để bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm Covid-19 (các chủng mới). 

Phụ nữ có thai dưới 13 tuần và những người mắc bệnh cấp tính 

Đây là đối tượng nên trì hoãn việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 dù trước đó họ đã tiêm đủ các mũi cơ bản. Mũi tăng cường cũng bị chống chỉ định với các trường hợp đã có phản ứng dị ứng với vắc-xin Covid-19 cùng loại trong lần tiêm trước hoặc có bất kì phản ứng dị ứng nào với các thành phần của thuốc. 

Các đối tượng khác

Bên cạnh những đối tượng có nguy cơ cao và dễ tổn thương như trên, những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh và đã tiêm đủ liều vắc-xin cơ bản có thể tiêm mũi tăng cường khi có đủ vắc-xin và đủ điều kiện để tiêm tăng cường. Chẳng hạn, những người đã tiêm 2 mũi Pfizer và Moderna chỉ nên tiêm mũi tăng cường sau ít nhất 5 tháng kể từ khi hoàn thành mũi cơ bản thứ hai. Đối với những người tiêm vắc-xin AstraZeneca hoặc các loại vắc-xin khác có thể tiêm mũi tăng cường cùng loại hoặc vắc-xin mRNA như Pfizer hoặc Moderna. Mũi vắc-xin tăng cường nên được tiêm cách mũi tiêm thứ hai khoảng 3 tháng thay vì 6 tháng để kịp thời đối phó với biến chủng mới.