Site stats Thành công và những “hạt sạn”của bộ phim kỷ lục phòng vé Bố Già! – Brain Berries

Thành công và những “hạt sạn”của bộ phim kỷ lục phòng vé Bố Già!

Advertisements

Bắt đầu công chiếu từ ngày 5/3/2021, đến nay, bộ phim Bố Già đã đạt doanh thu hơn 300 tỷ đồng, lập kỷ lục phòng vé. Bộ phim đã nhận được rất nhiều lời khen từ khán giả bởi câu chuyện chạm tới trái tim người xem được thể hiện bởi dàn diễn viên khá đồng đều và lời thoại giàu cảm xúc, ý nghĩa. Tuy vậy, bộ phim vẫn còn những “hạt sạn” như ý kiến của nhiều khán giả và nhà phê bình điện ảnh. 

  1. Câu chuyện thân thuộc, gần gũi với đa số 

Nội dung bộ phim Bố Già rất gần gũi và thân thuộc với đa số khán giả với những chi tiết “chạm” vào lòng người. Bố già xoay quanh câu chuyện về gia đình Ba Sang, một người chuyên chở hàng thuê trong xóm lao động nghèo quanh năm ngập nước (Thành phố Hồ Chí Minh). Ba Sang có người con trai lớn là Quắn và cô con gái nuôi Bù Tọt. Quắn làm nghề kiếm tiền qua YouTube, nghề mà họ hàng không ủng hộ và có phần coi thường. Ba Sang và Quắn có tính cách trái ngược nhau, khiến hai cha con thường xuyên mâu thuẫn. Trong khi Ba Sang tiết kiệm, thích lo chuyện thiên hạ và sẵn sàng giúp đỡ mọi người thì Quắn bốc đồng, hoang phí và chỉ quan tâm đến việc của mình. Những điểm trái ngược và mâu thuẫn đó đã dẫn dắt mạch truyện và làm nổi bật tình cảm gia đình. Tấm lòng yêu thương con của Ba Sang, sự hy sinh của ba khi sẵn sàng bán nhà giúp con trả nợ, cách ứng xử hàng ngày gần gũi, chân thực của ba khiến khán giả như thấy hình bóng của cha mình. Chính vì vậy, bộ phim được đông đảo khán giả ủng hộ. 

  1. Diễn xuất đồng đều 

Bố Già thành công còn nhờ diễn xuất khá đồng đều của các diễn viên. Bên cạnh nhân vật Ba Sang do Trấn Thành thủ vai và nhân vật Quắn do Tuấn Trần đảm nhiệm, các diễn viên khác như Ngọc Giàu (vai chị hai Giàu), Lê Giang (vai Cẩm Lệ), La Thành (vai Quý) cũng có diễn xuất tròn vai, tạo nên bức tranh tổng thể đa dạng sắc màu cho bộ phim. Qua diễn xuất của nghệ sĩ Ngọc Giàu, hình ảnh chị hai Giàu được khắc họa khá rõ nét với tính cách coi trọng vật chất nhưng vẫn xem gia đình là trên hết. Cẩm Lệ, cô em gái hàng xóm thương thầm Ba Sang được Lê Giang thể hiện dễ thương với những nét hài duyên. Nhân vật Quý phản diện do La Thành thủ vai cũng thể hiện khá tốt sự chuyển biến về tâm lý. 

  1. Lời thoại tốt, giàu cảm xúc 

Bộ phim Bố Già có nhiều lời thoại tốt, giàu cảm xúc và tạo hiệu ứng lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Chẳng hạn, nhân vật Quắn đã từng đặt câu hỏi với cha “Tại sao ba cứ hy sinh cho người khác mà không quan tâm người ta có cần hay không?” hay nhân vật Cẩm Lệ từng nói “Câu xin lỗi cha mẹ rất khó nói, nhưng nói ra rồi thì dễ thương lắm”. Ngay cả câu thoại của Quắn – cậu con trai khá ngỗ nghịch cũng khiến khán giả phải suy ngẫm “Lần cuối mọi người chụp hình với ba của mình là lúc nào?”

  1. Kịch bản chưa đủ sức nặng 

Tuy vậy, bên cạnh rất nhiều lời khen tặng dành cho bộ phim, theo Lucas Luân Nguyễn, người chuyên viết về điện ảnh và là giảng viên thỉnh giảng môn phê bình điện ảnh của một trường đại học, bộ phim Bố già có kịch bản chưa đủ sức nặng và chưa thực sự xuất sắc. Mâu thuẫn cha con là mẫu thuẫn nhằm tranh giành nhau để được hy sinh vì nhau chưa đủ mạnh để đẩy bộ phim lên cao trào. Nhiều chi tiết trong phim, vì vậy, được cho là “làm quá” (chẳng hạn Ba Sang nhiều lần từ chối sự hy sinh của con).  Lời thoại tuy khá tốt nhưng còn nhiều chi tiết thiên về kể lể, thiếu tiết chế nên rườm rà. 

  1. Nhiều chi tiết bỏ lửng 

Bộ phim Bố già đề cập đến nhiều chi tiết quan trọng như cách nhìn nhận của mọi người trong đại gia đình Ba Sang về việc lựa chọn nghề nghiệp của Quắn. Chi tiết này thú vị bởi nó liên quan đến nhận thức của xã hội về việc lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ. Chi tiết Quắn bị bệnh và chi tiết Ba Sang bị đối xử tệ bạc khi sa cơ, v.v. đều rất đắt giá cho bộ phim. Tuy vậy, các chi tiết này không được khai thác triệt để và không có kết thúc rõ ràng. Do vậy, bộ phim tạo cảm giác “chưa tới”. 

  1. Bối cảnh sân khấu chưa sát với đời thực 

Một trong những “hạt sạn” của bộ phim là bối cảnh sân khấu. Sân khấu chưa sát với đời thường nghèo khó, cuộc sống xù xì và thô ráp của xóm lao động nghèo. Do vậy, bối cảnh của bộ phim là cuộc sống của người dân cư ngụ trong một con hẻm ở Sài Gòn chưa được lột tả đầy đủ. Nhiều chi tiết trên sân khấu còn mang nặng tính sắp đặt, thiếu tự nhiên. 

Tuy còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng không thể phủ nhận những giá trị của bộ phim Bố Già và sức lan tỏa của bộ phim này trong công chúng. Thông điệp về tình cảm gia đình mà bộ phim gửi gắm rất có ý nghĩa trong cuộc sống bộn bề hiện nay.