Có nhiều bệnh nhân nhiễm sán lá gan bị chẩn đoán nhầm thành ung thư khiến họ phải cắt bỏ một phần gan. May mắn hơn, một bệnh nhân nam ở Thái Bình đã được người thân khuyến cáo và tránh được việc bị mất lá gan “oan ức”.
Đau bụng suốt 2 tháng, người đàn ông 45 tuổi được chỉ định mổ cắt bỏ gan vì nghi ngờ ung thư
Mới đây, một bệnh nhân nam 45 tuổi tên N., quê Thái Bình vừa nhập viện tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương trong tâm trạng lo lắng, đau nhiều ở vùng bụng.
Theo TS.BS Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, trực thuộc Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, bệnh nhân này đến viện ngày cận Tết và liên tục kêu cứu với bác sĩ.
Trước đó, bệnh nhân bị đau bụng suốt 2 tháng ròng nên đến một bệnh viện ngoại khoa để thăm khám. Tại đây, bệnh nhân nam được chẩn đoán mắc ung thư gan và được chỉ định mổ để cắt bỏ khối u. Khi về nhà để chuẩn bị giấy tờ nhập viện thực hiện ca mổ, anh được hàng xóm khuyên đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương tại Hà Nội để thăm khám lại.
Sau nhiều xét nghiệm, siêu âm, chụp chiếu tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, bác sĩ cho biết, ổ tổn thương ở gan của anh N. là do sán lá gan lớn tạo thành chứ không liên quan đến ung thư. Kết quả khiến vợ chồng anh N. hạnh phúc khôn xiết, ôm nhau khóc ở bệnh viện. Sau đó, bệnh nhân nhập viện một tuần để tẩy sán. Bất ngờ với cú “quay xe” may mắn, anh N. vui vẻ chia sẻ: “Suýt nữa thì tôi đã phải cắt bỏ một phần lá gan của mình”.
Tại sao sán lá gan thường bị nhầm lẫn thành ung thư?
Trước anh N, có nhiều bệnh nhân đã phải cắt bỏ một phần lá gan vì bị nhầm lẫn tổn thương do sán lá gan thành khối u. Một bệnh nhân nam ở Phú Thọ bị tổn thương gan do nhiễm sán lá gan lớn nhưng do kết quả chẩn đoán sai nên bệnh nhân đã phải cắt bỏ một phần gan tại một bệnh viện chuyên ung bướu. Một bệnh nhân nữ khác ở Thanh Hóa cũng bị chẩn đoán u gan khi đi khám ở tuyến tỉnh, nhưng khi kiểm tra lại tại Bệnh viện K và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, bệnh nhân lại được xác định dương tính sán lá gan lớn.
Theo TS.BS Trần Huy Thọ, bệnh sán lá gan gây áp xe và tổn thương gan khá phổ biến ở Việt Nam. Bệnh thường xuất hiện do thói quen ăn uống dính các ấu trùng có trong các loại thực vật thủy sinh như rau muống, cải xoong, rau ngổ, rau nhút hoặc rau răm. Ngoài ra, ấu trùng cũng có thể bị nhiễm trong nước lã hoặc trong các món gỏi cá, tôm sống chấm mù tạt.
Sau khi vào cơ thể, ấu trùng thoát kén, đi xuyên qua thành ruột, tìm đường đến gan, mật và “làm tổ” thành sán trưởng thành. Người mắc bệnh sán lá gan thường có triệu chứng đau bụng âm ỉ, vài trường hợp đau dữ dội nhưng cũng có trường hợp không đau bụng. Bệnh nhân bị sán lá gan thường ăn không ngon miệng và cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, cơ thể suy nhược, có thể đau khớp hoặc phát sốt, vàng da, đau cơ, sụt ký và mẩn ngứa.
Ngoài việc gây ra các tổn thương hay các áp xe ở gan thường bị nhầm lẫn với các khối u, các bệnh nhân bị sán lá gan còn bị nhầm lẫn các triệu chứng của bệnh với bệnh đau dạ dày, dẫn đến việc điều trị lâu dài nhưng không khỏi bệnh. “Nhiều bệnh nhân nhiễm giun sán 10-15 năm và gặp triệu chứng ‘ngứa điên, ngứa dại’ nhưng đi khám không đúng chuyên khoa nên không bắt được bệnh”, TS.BS Trần Huy Thọ nhấn mạnh.
Tuy không nghiêm trọng như khối u nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá gan kịp thời, về lâu dài, người bệnh sẽ bị thiếu máu, gan bị xơ hóa và suy kiệt dần.
Cách đề phòng bệnh sán lá gan
Để đề phòng sán lá gan nói riêng và các loại giun sán nói chung, bạn cần lưu ý luôn sử dụng nước sạch trong ăn uống, thực hiện nghiêm túc khẩu hiệu “ăn chín, uống sôi” và tránh ăn các loại cá, ốc chưa được nấu chín kỹ. Đối với các loại rau sống nói chung và rau sống thủy sinh, cần hạn chế ăn sống trực tiếp. Trong trường hợp cần thiết phải ăn sống, hãy rửa sạch rau dưới vòi nước mạnh. Ngoài ra, luôn chú ý rửa tay trước khi chế biến thức ăn và ăn uống cũng như sau khi đi vệ sinh và tiếp xúc với rác thải. Một lưu ý khác là hãy thực hiện tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần để hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm giun sán.