Site stats Tỷ lệ ung thư ở người dưới 40 tăng 27%: Liệu hầu hết mọi người sẽ mắc ung thư? – Brain Berries

Tỷ lệ ung thư ở người dưới 40 tăng 27%: Liệu hầu hết mọi người sẽ mắc ung thư?

Advertisements

Trên thực tế, những người trưởng thành đang ở độ tuổi sung sức nhất cũng có thể mắc bệnh và tử vong vì ung thư ác tính. Do vậy, nhiều người tự hỏi không biết liệu có phải ung thư sẽ trở thành “đại dịch”.

Gánh nặng ung thư ngày càng nghiêm trọng, khởi phát ung thư sớm tăng trên toàn cầu

Từ dữ liệu trên 185 quốc gia về 36 dạng ung thư khác nhau, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế IARC (thuộc Tổ chức Y tế Thế giới WHO) cho biết, vào năm 2022, ước tính có 20 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong. Cơ quan này dự báo sẽ có hơn 35 triệu ca ung thư vào năm 2050, tăng 77% so với năm 2022. Trong số đó, ung thư phổi phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu. Ung thư vú, ung thư đại tràng, tuyến tiền liệt và dạ dày là các loại ung thư thường gặp khác.

Thông thường, độ tuổi trung bình để chẩn đoán ung thư là 66 tuổi. Lý do là từ sau tuổi 50, tổn thương tế bào bắt đầu tích tụ trong cơ thể và trong những thập kỷ tiếp theo của đời người, tỷ lệ mắc ung thư sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy ung thư ở những người dưới 50 tuổi đã gia tăng trong nhiều thập kỷ.

Theo một nghiên cứu của Đại học Edinburgh (Scotland) và Trường Y khoa Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) được công bố năm 2023, số ca chẩn đoán ung thư mới vào năm 2019 ở những người dưới 50 tuổi đã lên tới 3,26 triệu, tăng 79% so với con số năm 1990. Trong đó, có 1,06 triệu người dưới 50 tuổi tử vong và số ca tử vong do ung thư ở người trong độ tuổi 40, 30 và thậm chí là trẻ hơn tăng 27%. Theo xu hướng quan sát trong 3 thập kỷ dựa trên dữ liệu 204 quốc gia về 29 loại ung thư, các nhà nghiên cứu ước tính rằng số ca ung thư khởi phát sớm mới trên toàn cầu sẽ tăng thêm 31% vào năm 2030. Trong đó, số ca ung thư ở những người ở độ tuổi 40 được dự đoán là cao nhất. 

Thừa cân, béo phì thúc đẩy ung thư ở người trẻ

Năm 2019, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã báo cáo rằng các loại ung thư liên quan đến béo phì ở những người trẻ tuổi tăng gấp đôi so với vài thập kỷ trước, gồm ung thư vú, thực quản, đại trực tràng, túi mật, dạ dày và thận. Nguy cơ ung thư tăng cao ở những người thừa cân, béo phì bởi tình trạng viêm mãn tính và mức insulin và các hormone khác cao bất thường. Chính lối sống ngồi nhiều, ít vận động, thức khuya, ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến và đường đã thúc đẩy tỷ lệ béo phì tăng cao. Đây cũng được xem là một “đại dịch” sức khỏe ở các quốc gia phương Tây, hiện đã và đang có xu hướng lan mạnh ở các quốc gia châu Á. 

Sử dụng rượu quá mức cũng là một yếu tố rủi ro

Một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng ung thư ở những người trẻ tuổi là do sử dụng rượu quá mức. Ethanol và sản phẩm phụ độc hại acetaldehyde trong rượu có thể liên kết với DNA và khiến tế bào nhân đôi bất thường, dẫn đến ung thư. Rượu có thể làm tăng nồng độ estrogen và insulin, khiến tế bào phân chia thường xuyên hơn, làm tăng nguy cơ ung thư. Uống rượu nhiều cũng gây tổn thương trực tiếp mô ở miệng, họng và các cơ quan khác, từ đó gia tăng sự hấp thụ các chất gây ung thư.

Thay đổi hệ vi sinh vật, môi trường sống gia tăng ung thư liên quan đến tiêu hóa

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Brigham and Women’s, trong số 14 loại ung thư đang gia tăng, có đến 8 loại là ung thư liên quan đến hệ tiêu hóa. Do đó, các nhà khoa học tin rằng, những thay đổi trong hệ vi sinh vật đang góp phần vào sự phát triển của ung thư khởi phát sớm. Từ giữa những năm 1990, hệ vi sinh vật không lành mạnh trong ruột đã gia tăng do thói quen tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến, rượu và đồ uống có đường cùng thói quen thiếu vận động. 

Ngoài ra, Shuji Ogino, nhà dịch tễ học bệnh lý phân tử tại Trường Y Harvard cho biết, những người ở độ tuổi 50 sinh ra vào nửa đầu thế kỷ 20 có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn so với những người sinh ra vào nửa sau. Có thể thấy, sự gia tăng các ca ung thư ở người trẻ tuổi trùng khớp với những thay đổi trong môi trường sống. Trong kỷ nguyên nhựa, con người tiếp xúc thường xuyên với các vi nhựa đến từ hộp đựng thực phẩm đến các loại quần áo tổng hợp, từ đó, vi nhựa đi vào cơ thể và đường tiêu hóa của chúng ta. Trong vi nhựa có chứa nhiều hóa chất có thể phá vỡ hormone và thúc đẩy ung thư khởi phát sớm hơn. 

Chất lượng giấc ngủ kém gia tăng ung thư

Trong nhiều thập kỷ qua, thói quen ngủ của con người đã thay đổi khá nhiều và trẻ em ngày nay có xu hướng ngủ ít hơn so với trước đây. Ngủ quá ít và giấc ngủ chất lượng kém là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tỷ lệ khởi phát ung thư ở người trẻ tuổi tăng cao. Trong một nghiên cứu của Trung Quốc, những người ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 41% so với những người ngủ 6-8 giờ mỗi đêm. Ngoài ra, những người không ngủ trưa cũng có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 60% so với những người ngủ trưa hơn 1 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra nguy cơ ung thư gia tăng đối với những người bị rối loạn giấc ngủ do xu hướng làm việc theo ca – tình trạng phổ biến ở các ngành sản xuất, dịch vụ 24/7.

Ngoài các nguyên nhân kể trên, thói quen hút thuốc lá hay tình trạng lo lắng và căng thẳng gia tăng cùng với nhịp sống hiện đại cũng là nguyên nhân khiến ung thư trở thành mối đe doạ lớn đối với nhiều người trẻ.