Năm 2023 được đánh giá là một năm đầy bất ổn khi thế giới đang tiếp tục chứng kiến chiến sự bùng nổ giữa Israel và Palestine trong khi căng thẳng giữa Nga-Ukraine vẫn tiếp tục leo thang. Liệu sẽ có những cuộc xung đột khác trên thế giới sẽ tiếp tục diễn ra khi bất bình đẳng kinh tế và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc? Giới chuyên môn đã đưa ra dự báo về những cuộc chiến rất có thể sẽ diễn ra trong thập kỷ tới.
Ấn Độ – Pakistan
Sau sự kiện chia tách từ năm 1947, Ấn Độ và Pakistan luôn trong tình trạng đối đầu bởi cả hai quốc gia đều tuyên bố giành chủ quyền tại khu vực lãnh thổ Kashmir. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, cả hai nước liên tục tấn công, đáp trả nhau. Trong đó, nghiêm trọng nhất phải kể đến cuộc chiến hồi năm 1999 đã khiến khoảng 1.000 người dân thiệt mạng.
Hiện nay, xung đột giữa hai quốc gia lại khiến thế giới lo ngại hơn bởi Ấn Độ và Pakistan đã trở thành hai cường quốc hạt nhân. Ấn Độ đang sở hữu 110 đầu đạn hạt nhân trong khi con số này ở Pakistan là 130. Nếu xảy ra cuộc đối đầu hạt nhân toàn diện, không chỉ Ấn Độ – Pakistan bị xóa sổ khỏi bản đồ mà bức xạ sẽ lan rộng khắp thế giới, gây mất mùa và nạn đói thảm khốc trên toàn cầu.
Đài Loan – Trung Quốc
Năm 2016, bà Thái Văn Anh làm nên lịch sử khi trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan. Kể từ khi nhậm chức, bà luôn tỏ rõ lập trường bác bỏ chính sách “Một Trung Quốc”. Cũng từ đây, căng thẳng Đài Loan – Trung Quốc ngày càng gia tăng bởi trước đó, quốc gia tỷ dân luôn xem Đài Loan là phần lãnh thổ chờ thống nhất.
Nếu chiến tranh diễn ra trên eo biển Đài Loan, thương mại quốc tế sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Hiện tại, tuyến đường biển rộng 180 km ngăn cách giữa Trung Quốc với đảo Đài Loan đang “tiếp đón” hơn 50% container hàng của thế giới đi qua. Ngoài ra, chuỗi cung ứng công nghệ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi Đài Loan đang là nơi thống trị sản xuất chất bán dẫn và chip trong hầu hết mọi thiết bị hiện nay.
Ai Cập, Sudan và Ethiopia
Năm 2011, Ethiopia đã bắt đầu xây dựng một công trình đập thủy điện Đại Phục Hưng trên sông Nile Xanh với mục tiêu điện khí hóa toàn quốc, giúp hơn một trăm triệu dân nước này thoát khỏi cảnh viễn cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, sông Nile Xanh lại đang cung cấp 90% nước sinh hoạt cho Ai Cập. Do đó, “công trình thế kỷ” của Ethiopia đã đe dọa nghiêm trọng đến nền nông nghiệp vốn đã èo uột của Ai Cập, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến 1/5 lượng điện do một nhà máy thủy điện khác của nước này. Tương tự, quốc gia láng giềng Ethiopia là Sudan cũng có cùng mối lo như Ai Cập.
Do vậy, nhiều nhà phân tích đã cho rằng cuộc chiến giữa các quốc gia này chỉ còn là vấn đề thời gian. Từ năm 2011 đến nay, Ai Cập, Ethiopia và Sudan đã tiến hành nhiều đợt đàm phán liên quan đến thỏa thuận về việc tích nước và vận hành đập Đại Phục Hưng nhưng vẫn chưa đạt được thống nhất cuối cùng.
Xung đột Biển Đông
Là nơi tập trung khoảng 10% lượng thủy sản của thế giới và hàng chục tỷ thùng dầu, Biển Đông là khu vực giàu tài nguyên được mọi quốc gia trong khu vực quan tâm, trong đó có cường quốc tỷ dân Trung Quốc.
Theo pháp luật quốc tế, Liên Hợp Quốc đã nghiêm cấm việc các quốc gia khai thác tài nguyên cách bờ biển của họ hơn 200 hải lý. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phá vỡ quy định này bằng cách xây đảo nhân tạo ở Trường Sa từ năm 2014. Theo Trung Quốc, những vùng đảo nhân tạo cho phép nước này đưa ra yêu sách tại Biển Đông. Gần đây, quốc gia này đang ngày càng bành trướng hoạt động quân sự ở biển Đông và đe dọa trực tiếp các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Theo giới chuyên gia, Biển Đông là khu vực có nhiều khả năng thúc đẩy Thế chiến thứ ba nhất hiện nay. Trong cuộc chiến này, Mỹ đang là đồng minh của là các nước đối địch với Trung Quốc. Nếu xung đột diễn ra, hai cường quốc Mỹ – Trung sẽ gây chiến và cả thế giới sẽ chứng kiến những mất mát chưa từng có.
Bắc Triều Tiên và Mỹ
Trong hơn 1 năm qua, chính quyền Bình Nhưỡng nhiều lần thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Đáp trả lại động thái này, Mỹ và Hàn Quốc đã lên án, đồng thời tăng cường tập trận chung nhằm vào Triều Tiên. Những màn trả đũa và cáo buộc không hồi kết giữa Triều Tiên với phía Mỹ và đồng minh ngày càng căng thẳng, đặt ra nguy cơ chiến tranh hạt nhân tại Bình Nhưỡng trong một ngày không xa.
Được biết, từ năm 2006, Triều Tiên đã bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trừng phạt vì theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa. Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng áp dụng lệnh trừng phạt với Triều Tiên. Trong khi đó, Kim Jong Un hiện đang tìm kiếm sự đồng tình từ Nga và Trung Quốc. Theo đánh giá, nếu Mỹ và Triều Tiên giao tranh hạt nhân, tổn thất về con người sẽ lên đến hàng triệu, trong khi thiệt hại về kinh tế và môi trường sẽ chạm mức “thảm họa”. Vì vậy, ngăn chặn viễn cảnh này đang là ưu tiên hàng đầu của các nhà đấu tranh vì hòa bình.