Tiếng ngáy của bạn có thể sẽ gây ra phiền toái cho những người xung quanh song đôi lúc bạn sẽ biết ơn điều đó vì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn. Vậy khi nào tiếng ngáy là bình thường, khi nào chứng ngáy ngủ có thể đang báo hiệu tình trạng sức khỏe xấu?
Tại sao mọi người ngáy?
Theo một ước tính, tình trạng ngáy khi ngủ xảy ra ở khoảng 57% nam giới trưởng thành và con số này ở phụ nữ là 40%. Một phần tư trong số này là những người có thói quen ngáy thường xuyên.
Ngáy là một quá trình tự nhiên xảy ra khi ngủ, khi không khí đi qua các mô đang thư giãn ở cổ họng, khiến các mô mềm rung lên khi bạn thở. Tuy nhiên, nếu đường thở của bạn hẹp hơn do tắc nghẽn, tình trạng ngáy cũng có thể xảy ra.
Ngáy có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nào?
Dưới đây là một số bệnh lý có thể gây tắc nghẽn đường thở và có liên quan đến tình trạng ngáy bất thường:
Bệnh tim mạch
Ngáy có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tim mạch. Những người ngáy nhưng không bị rối loạn giấc ngủ có nhiều khả năng liên quan đến vấn đề động mạch cảnh dày hơn.
Cụ thể, ngáy và ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến “tình trạng thiếu oxy không liên tục”. Điều này có thể dẫn đến tổn thương, tắc nghẽn và viêm nhiễm động mạch, từ đó khiến động mạch dày hơn. Động mạch cảnh dày hơn và bị viêm sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ và các bệnh tim mạch khác.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
Bản thân bạn sẽ không thể tự theo dõi chứng ngưng thở khi bạn đang ngủ. Tuy vậy, nếu bạn cùng giường hoặc người thân có thể quan sát thói quen khi ngủ của bạn và nhận thấy những khoảng nghẹn trong hơi thở hoặc tiếng thở hổn hển, đó có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ.
Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn sẽ khiến đường thở của bạn bị xẹp một phần hoặc toàn bộ trong khi bạn ngủ. Khi điều này xảy ra, bạn sẽ ngừng thở từ 10 giây trở lên mỗi lần và những đợt ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra hàng trăm lần mỗi đêm, khiến bạn giật mình tỉnh giấc để bắt đầu thở lại. Do đó, chứng ngưng thở khi ngủ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Hiện tượng này cũng có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi vào ban ngày, thiếu tập trung, hay quên, lo lắng và trầm cảm. Thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời, chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như tiểu đường, đột quỵ, huyết áp cao, suy tim, béo phì, rối loạn nhịp tim và bệnh cơ tim.
Béo phì
Theo một số nghiên cứu, những người thừa cân hoặc béo phì thường được chấn đoán mắc chứng ngủ ngáy và khó thở vào ban đêm. Thừa cân, béo phì sẽ dẫn đến tình trạng tích tụ mỡ thừa khắp cơ thể, bao gồm cả cổ và vùng mặt. Lượng mỡ tích tụ quanh cổ và mặt sẽ khiến mô mềm xẹp xuống, gây áp lực lên cổ họng, dẫn đến tắc nghẽn đường thở và gây ngáy vào ban đêm.
Rối loạn nội tiết
Thủ phạm khiến một số người bị ngáy liên tục có thể là hệ thống nội tiết tiết ra các hormone với tần suất bất thường, gây cản trở hô hấp trong khi ngủ. Theo một số nghiên cứu, các bệnh lý như suy giáp – tình trạng đặc trưng do nồng độ hormone tuyến giáp thấp hay bệnh lý khổng lồ – do nồng độ hormone tăng trưởng cao, đều có liên quan đến chứng ngáy và khó thở khi ngủ. Một bệnh lý khác cũng liên quan đến rối loạn nội tiết là tình trạng thiếu hụt testosterone gây ra suy tuyến sinh dục. Khi người bệnh là nam giới bị suy tuyến sinh dục được điều trị bằng phương pháp thay thế testosterone, chứng ngáy và ngưng thở khi ngủ có thể trầm trọng thêm.
Viêm amidan
Một bệnh nhân ở TPHCM từng bị chứng ngủ ngáy suốt 20 năm do khối amidan có kích thước to bằng quả trứng gà. Theo bác sĩ, do không kịp thời cắt và điều trị, khối amidan đã che lấp gần hết đường thở, gây ra chứng ngưng thở khi ngủ khiến bệnh nhân có tình trạng ngáy “như sấm” hằng đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ của nhiều người khác trong gia đình. Được biết, amidan và vòm họng có vị trí bao quanh đường hô hấp trên, do đó nó có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp trên nếu bị viêm sưng, phì đại.
Viêm xoang, polyp mũi
Một lý do khác có thể giải thích chứng ngáy khi ngủ là do viêm xoang hoặc polyp mũi – một dạng u cuống mềm lành tính trong hốc mũi. Viêm xoang hay polyp mũi đều có thể khiến mũi bạn bị tắc nghẽn và không thể thở bằng mũi. Thay vào đó, bạn buộc phải thở bằng miệng. Việc thở bằng miệng vào ban đêm có thể khiến cơ họng thư giãn quá mức và thu hẹp đường thở, gây ra tình trạng ngáy ngủ.
Lệch vách ngăn mũi
Vách ngăn mũi là bộ phận xương, sụn trải dài từ vòm họng đến đầu mũi, có nhiệm vụ chia đôi hai bên khoang mũi. Tình trạng lệch vách ngăn mũi xảy ra khi phần vách ngăn hai bên lỗ mũi bị lệch sang một bên, từ đó khiến một bên lỗ mũi có đường dẫn khí nhỏ hơn so với bên còn lại. Đường dẫn khí ở mũi bị tắc sẽ cản trở luồng không khí khi thở, gây ra tình trạng ngáy. Những người có vách ngăn bị lệch thành hình chữ S có thể bị tắc nghẽn đường dẫn khí ở cả hai lỗ mũi, khiến tình trạng ngáy trầm trọng hơn.
“Ngáy” thế nào là đáng ngại?
Một người ngáy nếu vẫn thở bình thường thì sẽ không có gì đáng lo ngại về tình hình sức khỏe, mặc dù tiếng ngáy của họ có thể rất to và khiến người xung quanh cảm thấy phiền phức. Tuy nhiên, nếu tiếng ngáy to, khàn khàn, thường xuyên có tình trạng tắt thở hoặc thở rất nông trong 3-4 giây, sau đó có tiếng ùng ục hoặc nghẹt thở kèm theo run rẩy giật mình thì họ đang có vấn đề về sức khỏe.
Ngoài ra, bên cạnh ngáy khi ngủ, nếu bạn đang gặp các triệu chứng như mất ngủ liên tục, mệt mỏi và kiệt sức mỗi ngày, thức dậy với cơn đau họng hoặc khô miệng, đau đầu buổi sáng hay ủ rũ và cáu kỉnh, bạn nên xin ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình.