Mặc dù việc giúp đỡ người khác là hành động đáng trân trọng và cần được phát huy nhưng tùy vào hoàn cảnh, bạn nên cân nhắc việc có nên trợ giúp người khác không bởi lòng tốt sẽ khiến bạn tự rước họa vào thân.
Giúp người khác “lãnh nợ”
Cha ông từ xưa đã đúc kết “lãnh nợ” là một trong những “cái ngu” lớn nhất mà ai ai cũng cần tránh. Cho dù là bạn đứng ra làm cầu nối trung gian giữa người vay nợ và người cho vay hay đứng ra vay hộ người khác, bạn đều có thể gặp rủi ro mất tiền, mất mối quan hệ và uy tín cá nhân.
Nếu bạn là người trung gian “dắt mối”, khi món nợ quá hạn mà không được hoàn trả, người cho vay sẽ quay sang oán trách và gây áp lực, buộc bạn phải đứng ra đòi nợ thay. Trong khi đó, người bị đòi nợ sẽ lập tức “trở mặt” khiến bạn mất lòng cả đôi bên. Còn nếu đứng ra vay mượn giúp người khác, bạn sẽ có khả năng gánh nợ thay cho đối phương khi họ không có khả năng chi trả và “cao chạy xa bay”.
Giúp người khác bao che lỗi lầm
Trong công việc và cuộc sống, hầu như mọi người đều có thời điểm mắc sai lầm và có thể lo lắng tột độ khi nhận ra mình đã mắc sai lầm. Khi ấy, thay vì đối diện, nhiều người có xu hướng né tránh thừa nhận lỗi sai của mình. Nếu bạn biết những lỗi sai của bạn bè, liệu rằng bạn sẽ bao che hay động viên họ nhận lỗi?
Thực tế, không sớm thì muộn, sự thật rồi sẽ được phơi bày dù bạn có giúp người khác che đậy chúng hay không. Do vậy, nếu mù quáng bao che cho đối phương, bạn sẽ nghiễm nhiêm trở thành “đồng phạm”, tự mình biến thành kẻ tội đồ tiếp tay cho lỗi lầm của người khác. Thay vào đó, khi chứng kiến sai lầm của người khác, hãy đưa ra sự giúp đỡ mang tính xây dựng bằng cách giúp họ hiểu được sự cần thiết của việc trách nhiệm, sớm thẳng thắn thừa nhận vấn đề và từ đó đưa ra cách giải quyết sự việc nhanh chóng.
Giúp người khác khi bạn không có khả năng
Một trong những cách dễ dàng nhất để phá hủy một mối quan hệ là hứa hẹn trợ giúp ai đó mặc dù bạn không thể thực hiện được. Điều này tương tự như khi bạn không thể nhìn thấy nhưng lại xung phong dạy người khác cách vẽ. Khi đó, mọi nỗ lực, cố gắng của bạn đều vô nghĩa. Bạn sẽ khiến đối phương thất vọng, lại khiến chính mình hối hận vì mất thêm nhiều thời gian, công sức và thậm chí là mối quan hệ mà bạn trân quý.
Trước khi đề nghị giúp đỡ người khác, bạn hãy suy nghĩ về khả năng của mình. Nếu ai đó nhờ giúp đỡ nhưng bạn không thể đưa ra sự trợ giúp tốt, đừng tỏ ra xấu hổ khi thừa nhận điều đó. Đây là cách tốt nhất giúp đối phương có thể tìm kiếm cơ hội nhận được sự trợ giúp tốt hơn.
“Ép” người khác nhận sự giúp đỡ
Bạn đề nghị đưa ra sự giúp đỡ nhưng đối phương nói rằng họ không cần sự giúp đỡ, bạn nên “quay xe” ngay lập tức. Đối phương từ chối sự trợ giúp của bạn không phải bởi sự kiêu hãnh mà lúc này, họ thực sự có thể tự xoay xở với vấn đề của mình.
Nếu cứ cố tình ép họ nhận sự giúp đỡ, bạn sẽ lãng phí thời gian cá nhân và khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Lúc này, đối phương sẽ cho rằng bạn là kẻ gàn dở, chuyên lo chuyện bao đồng, tỏ ra khó chịu và từ đó, mối quan hệ của bạn có thể sẽ xấu đi nhiều. Thay vì “ép” người khác nhận trợ giúp, hãy tích cực lắng nghe và chờ đợi những khoảnh khắc được yêu cầu đưa ra sự giúp đỡ. Lúc này, sự “cho đi” của bạn sẽ được trân trọng và đánh giá cao.