Site stats Loại trăn nào lớn hơn: Titanoboa hay Anaconda? – Brain Berries

Loại trăn nào lớn hơn: Titanoboa hay Anaconda?

Advertisements

Bạn có từng tưởng tượng một ngày nào đó mình sẽ lạc vào khu rừng rậm bí ẩn trong bộ phim Anaconda và đối mặt với con trăn xanh Nam Mỹ khổng lồ không? Loài trăn này được xem là “vua rừng rậm” hiện tại với kích thước có thể lên tới 10m. Tuy nhiên, có một con vật trong thời tiền sử cũng vô cùng nổi tiếng với kích thước khủng – đó là Titanoboa. Trong 2 con vật này, ai là “ông trùm” của thế giới bò sát không chân?

So sánh kích thước trăn xanh Nam Mỹ và Titanoboa

Theo Viện Bảo tồn Sinh học và Vườn thú Quốc gia Smithsonian, trăn Nam Mỹ xanh (Anaconda) có cân nặng lên tới 250kg và chiều dài có thể lên tới 10m. Loài trăn này hiện đang giữ danh hiệu loài trăn còn sống lớn nhất hành tinh, gây nên nỗi sợ hãi của nhiều người khi nhắc đến rừng rậm Amazon. Tuy nhiên, đã từng có loài trăn có kích thước và cân nặng lớn hơn trườn qua các khu rừng ẩm ướt và các con sông ở Nam Mỹ cách đây 60 triệu năm trước, đó là Titanoboa cerrejonensis. 

Mặc dù cả hai loài trăn này đều là thành viên của họ Boidae, một họ rắn không có nọc độc và đẻ trứng thai (trứng đã thụ tinh và phát triển thành con non trong cơ thể trăn mẹ trước khi đẻ), nhưng chúng có kích thước cực kỳ khác nhau. Trọng lượng của Titanoboa vượt trội hơn hẳn so với Anaconda và cũng dài hơn nhiều. Theo các nhà nghiên cứu, một con Titanoboa trưởng thành ước tính dài trung bình 13 – 14,6m, nặng khoảng 1,135 tấn, có bộ xương khổng lồ với cấu tạo gồm 250 đốt sống. Theo ước tính của các nhà khoa học năm 2009 trên biểu đồ đồ họa, nếu đặt lên bàn cân so sánh, con trăn xanh Nam Mỹ có kích thước nhỏ hơn nhiều so với Titanoboa. Jonathan Bloch, người phụ trách cổ sinh vật học có xương sống tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida và cũng là người đồng dẫn đầu đoàn thám hiểm ra hóa thạch đầu tiên của Titanoboa, ước tính rằng nếu “quái thú” này “lướt” qua, cơ thể của nó sẽ cao tới thắt lưng của con người.

@conspiracyearth

FOOTAGE AT THE END! 🤯 Titanoboa was found in Amazon rainforest! 😱 #titanoboa #mythicalcreature #usa ♬ Hoist The Colours – Bass Singers Version – The Wellermen

Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida, Titanoboa là loài ăn thịt lớn nhất hành tinh sau khi loài khủng long tuyệt chủng cách đây 65 triệu năm và cho đến khi cá mập Megalodon lần đầu tiên xuất hiện cách đây khoảng 23 triệu năm.

Thời kỳ sống của Titanoboa và Anaconda

Anaconda có tổ tiên từ thời tiền sử, hoặc cũng có thể đã xuất hiện vào thời đại Miocene, cách đây khoảng 23 triệu đến 5,3 triệu năm. Trong khi đó, Titanoboa sống trong thời kỳ Paleocen, cách đây khoảng 60 triệu đến 58 triệu năm trước. Loài bò sát khổng lồ này từng chung sống cùng với các loài khổng lồ khác như cá sấu dài 4m hay loài rùa dài 2,5m. Dù khác nhau về kích thước nhưng hình dạng Titanoboa lại giống với loài Anaconda hiện đại. 

Những thông tin đầu tiên về Titanoboa lần đầu được công bố trong một nghiên cứu năm 2009 trên tạp chí Nature. Theo đó, hóa thạch còn sót lại của Titanoboa được tìm thấy trong mỏ than sâu tên Cerrejo thuộc rừng mưa nhiệt đới ở La Guajira, đông bắc Colombia. 

Cùng với với hóa thạch của Titanoboa, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một số mẫu vật quanh mỏ than và phát hiện Titanoboa có khả năng là một trong những loài sinh sống phổ biến nhất trong môi trường sống này. Các nhà khoa học không chắc chắn khi nào Titanoboa tuyệt chủng nhưng có thể liên quan đến biến đổi khí hậu. 

Tại sao Titanoboa có kích thước lớn đáng ngạc nhiên?

Giống các động vật máu lạnh khác, kích thước loài rắn phát triển tùy thuộc vào nhiệt độ nơi chúng sống. Khí hậu càng ấm nóng, rắn có kích thước càng lớn.

Kích thước khổng lồ của loài động vật này chỉ ra rằng khí hậu 65 triệu năm trước có thể rất khác so với ngày nay. Trong kỷ Paleocene, khu vực này của Nam Mỹ có thể là một hệ sinh thái không có băng ở hai cực, đồng thời rừng nhiệt đới có nhiệt độ cao hơn và độ ẩm lớn hơn nhiều so với một số nơi nóng nhất trên thế giới hiện nay.

Một nhà nghiên cứu cho biết: “Cerrejon là một khu rừng nhiệt đới rất màu mỡ với nhiệt độ ấm hơn ngày nay khoảng 10 độ”. Kích thước lớn của Titanoboa có thể là phản ứng với khí hậu ấm áp của kỷ Paleocene, cho phép quá trình trao đổi chất cao hơn và hỗ trợ sự phát triển chúng. Hình dạng và cấu trúc cơ thể của nó có thể đã thích nghi để di chuyển và săn mồi hiệu quả trong môi trường nước giống như loài trăn Anaconda ngày nay.

Titanoboa có phải là loài rắn lớn nhất trái đất?

Dù vượt trội hơn hẳn so với loài rắn còn sống có kích thước và trọng lượng lớn nhất hành tinh hiện nay nhưng chưa chắc Titanoboa đã là loài rắn khổng lồ nhất trong lịch sử hình thành trái đất. 

Vào tháng 4/2024, các nhà khoa học đã công bố một loài rắn hóa thạch phá kỷ lục khác, được tìm thấy ở miền tây Ấn Độ hồi năm 2005. Các nhà nghiên cứu đã khai quật được một phần cột sống của loài rắn này, bao gồm tổng cộng 27 đốt sống, từ một mỏ ở quận Kutch thuộc tiểu bang Gujarat trên bờ biển phía tây của Ấn Độ. Những chiếc xương này có niên đại khoảng 47 triệu năm. Do không tìm đủ hóa thạch nên người ta chỉ có thể ước tính con rắn khổng lồ có chiều dài khoảng 11–15m và cân nặng có thể lên tới 1 tấn. 

Các nhà khoa học đặt tên cho loài rắn này là Vasuki indicus, theo tên con rắn thần thoại thường quấn quanh cổ thần Shiva trong các truyền thuyết Hindu của Ấn Độ. Vasuki có thể thuộc về một họ rắn trên cạn đã tuyệt chủng bí ẩn có tên là Madtsoiidae. Họ Madtsoiidae sống trong khoảng 100 triệu năm giữa kỷ Creta muộn và kỷ Pleistocene muộn. 

Sunil Bajpai, đồng tác giả của nghiên cứu và là nhà cổ sinh vật học tại Viện Công nghệ Ấn Độ Roorkee tiết lộ: “Chiều dài cơ thể ước tính của Vasuki có thể tương đương với Titanoboa, mặc dù đốt sống của Titanoboa lớn hơn một chút so với Vasuki. Tuy nhiên, tại thời điểm này, chúng tôi không thể nói liệu Vasuki có đồ sộ hơn hay mảnh khảnh hơn so với Titanoboa được”.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Titanoboa có thể không phải là “ông trùm” trong họ rắn nếu xét về trọng lượng lẫn chiều dài. Biết đâu đấy, vẫn còn những sinh vật khổng lồ khác “ẩn núp” khắp hành tinh, chực chờ được các nhà khoa học khám phá.