Site stats Lão nông kỳ lạ thích sống và trồng rau trong trang trại ngay giữa sân bay – Brain Berries

Lão nông kỳ lạ thích sống và trồng rau trong trang trại ngay giữa sân bay

Advertisements

Với nhiều người đang sinh sống tại các khu vực gần sân bay, tiếng ồn khi máy bay cất cánh và hạ cánh không phải là điều dễ chịu. Tuy nhiên, với một lão nông ở tuổi “thất thập cổ lai hy” ở Nhật Bản, ông lại cho rằng giữa sân bay là nơi duy nhất đáng sống trong cuộc đời mình. 

Từ chối 1,6 tỷ USD để giữ lại cơ nghiệp 3 đời

Ông Takao Shito năm nay đã bước vào tuổi 72 và vẫn đang tiếp tục canh tác trong một trang trại hữu cơ nằm trơ trọi giữa sân bay Narita (Nhật Bản). Mảnh đất là sản nghiệp được truyền lại từ thời ông nội đến cha ông và bây giờ tới ông là đời thứ ba, ngót nghét đã có hơn 100 năm tuổi đời. 

Nhiều thập kỷ về trước, trang trại nhà ông Shito cũng như bao trang trại thuần nông khác, là một phần của ngôi làng với 30 gia đình sinh sống. Đến nay, trong khi hầu hết các gia đình khác đều đã đồng ý chuyển đi để giải tỏa đất thi công, gia đình ông Shito vẫn cương quyết đấu tranh để giành quyền ở lại trên mảnh đất sản nghiệp gia tộc trong suốt 5 thập kỷ qua. 

Từ những năm 1970, cha của ông Shito từng là một trong những nông dân tiên phong trong việc phản đối kế hoạch mở rộng sân bay Narita của Chính phủ. Cùng thời gian đó, khi nhiều nông dân trong ngôi làng nông nghiệp này bị thuyết phục bởi những khoản bồi thường đáng giá thì gia đình ông Shito vẫn nhất quyết không rời đi.

Đến thời của mình, ông Shito đã có 2 thập kỷ liên tiếp đấu tranh pháp lý để bảo vệ trang trại khỏi việc “kết liễu” từ chính quyền. Ông từng chia sẻ với BBC rằng  ông đã nhận được lời đề nghị bồi thường tiền mặt lên tới 180 triệu yên (tương đương 1,6 tỷ USD hoặc 40 tỷ đồng). Với ông, đây là số tiền rất lớn, bằng 150 năm tiền lương của một nông dân như ông. Tuy nhiên, người đàn ông “cứng đầu” này vẫn muốn tiếp tục sống và làm việc trên mảnh đất được ba thế hệ truyền giữ. Ông Shito khẳng định mình không để tâm đến khoản bồi thường hậu hĩnh và sẽ không nghĩ đến chuyện từ bỏ sản nghiệp của cha ông. 

Tính đến năm 2020, ông Shito đã vướng vào 5 vụ kiện riêng với sân bay liên quan đến việc bồi thường di dời nhưng ông vẫn kiên quyết không thỏa hiệp. Sự đấu tranh không mệt mỏi đã khiến ông Takao Shito trở thành một trong những biểu tượng của quyền công dân tại Nhật Bản, từ đó nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhà hoạt động và hàng trăm tình nguyện viên. Chính vì vậy, công cuộc đấu tranh để “được sống” trên chính mảnh đất của gia đình của ông Shito cũng thêm phần dễ dàng, thuận lợi. 

Cuộc sống lão nông trong sân bay sẽ thế nào?

Sân bay Narita là sân bay lớn thứ hai của Nhật Bản, đồng thời cũng là cửa ngõ quốc tế chính của Tokyo. Theo thống kê, sân bay này phục vụ 250.000 chuyến bay và đón khoảng 40 triệu lượt hành khách mỗi năm. Trong đó, đường băng thứ hai của sân bay được quy hoạch sẽ cắt ngang trang trại của ông Shito. Tuy nhiên đến nay, đường băng này chỉ có thể uốn quanh mảnh đất nông nghiệp này.

Trên mảnh đất độc nhất vô nhị, những chiếc máy bay đủ loại sẽ liên tục cất cánh, hạ cánh và bay qua đầu ông Shito 24 giờ mỗi ngày. Con đường duy nhất giúp ông Shito đi từ trang trại ra đường lớn là qua các đường hầm dưới lòng đất. 

Tuy có cuộc sống khác người nhưng ông Shito vẫn đều đặn chăm sóc những mớ rau, luống cải của mình. May mắn thay, các sản phẩm sạch hữu cơ của ông vẫn tìm được chỗ đứng với khoảng 400 khách hàng thân thuộc. Trong đại dịch COVID-19, công việc kinh doanh của gia đình ông Shito vẫn không bị ảnh hưởng, thậm chí cuộc sống còn “dễ thở” hơn bởi nhịp độ các chuyến bay tại Narita có phần thưa thớt hơn.