Khỉ quấy phá nhà dân, tấn công du khách
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong số các trường hợp thương tích do động vật cắn, vết cắn do khỉ chiếm tới 20 phần trăm và tỷ lệ này chỉ xếp sau vết cắn của chó. Điều này cho thấy tình trạng khỉ tấn công người không phải là chuyện hiếm.
Mới đây, hồi cuối tháng 11/2024, tại vườn thú Shoushan (Đài Loan), một người đàn ông khi đang bế con trên tay và đẩy xe đẩy đi dạo trong sở thú đã bất ngờ bị một con khỉ trêu chọc. Trong khi người cha hoảng hốt, cố lùi lại thì một con khỉ khác lại tiếp tục lao đến, cố gắng giật lấy chiếc xe đẩy khiến cả hai cha con đều mất thăng bằng và ngã xuống đất. Chứng kiến sự việc, người mẹ khi đó đang quay video đã hét lên kinh hãi. Sau khi đứng dậy, trong khi người cha vẫn bàng hoàng, em bé đã hoảng sợ và khóc nức nở. Một lúc sau, bầy khỉ vẫn tiếp tục gây gổ và giành giật đồ đạc gần chiếc xe đẩy.
Tại Thái Lan, thành phố Lopburi thuộc tỉnh Lopburi từng nổi tiếng là “vương quốc khỉ”, thu hút một lượng lớn khách du lịch đến để selfie cùng lũ khỉ tinh nghịch. Tuy nhiên, giờ đây, điểm đến này lại có nguy cơ trở thành “thị trấn ma” vì 3.500 con khỉ tại đây thường xuyên tràn vào trung tâm thương mại đập phá, đồng thời quấy rối du khách.
Tại Việt Nam, chuyện khỉ tấn công, quấy rối người dân cũng xảy ra “như cơm bữa”. Tại Cù Lao Chàm (Quảng Nam), khỉ núi thường tràn vào nhà dân để trộm đồ ăn, vặt quả, phá cây, phá đồ đạc trong nhà. Trong khi đó, tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), tình trạng khỉ lao vào cướp giật đồ ăn, tấn công du khách luôn xảy ra thường xuyên và không có dấu hiệu thuyên giảm.
Vậy, lý do đằng sau những cuộc tấn công của khỉ là gì?
Khỉ bị thay đổi bản năng bởi con người
Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet nhận định, việc con người gia tăng các hoạt động chồng lấn lên vùng sống của loài khỉ và tạo điều kiện để khỉ tiếp cận thức ăn của con người là nguyên nhân khiến loài khỉ thay đổi tập tính tự sinh tồn. Khi mất dần thói quen tự kiếm ăn ở nơi hoang dã, loài khỉ sẽ dần mở rộng vùng phân bố, tìm đến quấy rối đời sống sinh hoạt của người dân ở các khu vực lân cận.
Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cũng nhận định, tại Sơn Trà, vì khỉ đã quen với việc được con người cho ăn nên khi không lấy được thức ăn, chúng sẽ bị xung đột, thậm chí trở nên hung dữ và tấn công du khách.
Còn theo Tracie McKinney, Giảng viên cao cấp về Nhân chủng học sinh học thuộc Đại học South Wales (Anh), loài động vật hoang dã như khỉ không thể cưỡng lại thức ăn của loài người. Đây là những thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa. Nguồn thức ăn này cũng có sẵn trong thùng rác, trong những chiếc ba lô “vô chủ”, hoặc thậm chí là trực tiếp từ con người. Do tập tính thói quen, khỉ sẽ thường liên tưởng con người với thức ăn và vì vậy đôi khi chúng sẽ tấn công con người dù con người không hề có ý định đưa đồ ăn hoặc trêu chọc chúng.
Ngoài ra, vì là loài có trí nhớ tốt và thông minh, khỉ cũng học cách quấy rối khách du lịch để lấy thức ăn. Đó là lý do một số con khỉ nhắm đến những món đồ có giá trị như điện thoại của du khách và sau đó, chúng sẽ làm rơi chiếc điện thoại đó nếu người “bị hại” ném thức ăn cho chúng.
Con người không hiểu biểu cảm của khỉ
Một yếu tố quan trọng khác dẫn đến các cuộc tấn công bất thường của khỉ là do sự thiếu hiểu biết của con người về cách giao tiếp của loài vật này, bao gồm ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm khuôn mặt và tiếng kêu của chúng. Chia sẻ trên tạp chí PeerJ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Lincoln (Anh) cho rằng, suy nghĩ của con người về biểu cảm của động vật có thể hoàn toàn trái ngược với những gì chúng đang thực sự cảm thấy hoặc muốn thể hiện.
Để chứng thực thêm cho điều này, nhà nhân chủng học Laetitia Marechal cùng các đồng nghiệp đã thực hiện một nghiên cứu trên 124 tình nguyện viên với các bức ảnh về loài khỉ thường tương tác với khách du lịch ở Morocco là Barbary. Trong nghiên cứu, một phần ba số tình nguyện viên đã nhầm tưởng khuôn mặt hung dữ là khuôn mặt thân thiện hoặc bình thường. Trong khi đó, hơn một nửa tình nguyện viên lại nghĩ khuôn mặt thân thiện của khỉ là hung dữ hoặc đau khổ.
Trong một bức ảnh, khi miệng của con khỉ mở tròn với lông mày nhướn lên, nhiều người nghĩ con khỉ đang thể hiện một nụ hôn ấm áp. Tuy nhiên, thực tế, khi con khỉ thể hiện khuôn mặt này, nó đang không thoải mái và muốn con người hãy tránh xa nó. Nếu con người không “lắng nghe”, con khỉ sẽ lo lắng và có khả năng tấn công họ nhiều hơn.
Theo các chuyên gia, khỉ không phải là loài động vật hung dữ nhưng tốt nhất con người nên giữ khoảng cách với chúng, ít nhất là vài mét. Ngoài ra, con người cũng không nên vuốt ve, chạm vào hoặc cho bất kỳ con khỉ hoặc loại động vật hoang dã nào đang ăn để tránh những rắc rối và những cuộc “chạm trán” không mong muốn.