Với chiều dài lên tới 9m, Anaconda được xem là loài trăn lớn nhất thế giới còn sống. Tuy nhiên, chúng vẫn “lép vế” so với “cụ tổ” Titanoboa ở thời tiền sử. Có thể, những bộ phim giả tưởng đã giúp bạn hình dung được kích cỡ khổng lồ của những con trăn khổng lồ này nhưng có bao giờ bạn từng thắc mắc rằng điều gì đã khiến những loài rắn cổ đại đạt đến kích thước kinh ngạc như vậy?
Kích thước con rắn khổng lồ nhất là bao nhiêu?
Trăn xanh Anaconda và trăn gấm luôn được xem là “kỳ phùng địch thủ” trong những cuộc săn tìm loài rắn lớn nhất thế giới hiện nay bởi chúng có thể có chiều dài lên tới 9m và cân nặng lên đến 250kg. Tuy nhiên, cả kích thước và cân nặng này cũng chỉ bằng một phần của loài rắn thời tiền sử Titanoboa. “Siêu mãng xà” cổ đại này có chiều dài lên đến 13m, cân nặng có thể đạt tới 1.135 kg, gấp đến 5 lần “vua rắn” Anaconda hiện nay. Do có kích cỡ khủng, Titanoboa không chỉ loài rắn lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất mà còn là một trong những loài săn mồi trên cạn lớn nhất thời bấy giờ.

Giải mã bí ẩn đằng sau kích thước khổng lồ của rắn cổ đại
Theo các nhà khoa học, một trong những nguyên nhân khiến loài rắn cổ đại có kích thước khổng lồ là nền nhiệt. Rắn được xem là động vật biến nhiệt và vì lẽ đó, nhiệt độ môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trao đổi chất và sinh trưởng của chúng. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature, Titanoboa sống cách đây khoảng 58 triệu năm, vào thời kỳ Paleocene khi nhiệt độ trung bình toàn cầu ước tính ít nhất là 32-34 độ C. Đây là nền nhiệt cao hơn nền nhiệt trung bình trên Trái Đất hiện nay khoảng 5-10 độ C. Khi nhiệt độ ấm áp, ổn định, Titanoboa có thể phân bổ nhiều năng lượng hơn cho quá trình tăng trưởng thay vì điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Đó có thể là điều kiện lý tưởng để chúng phát triển kích thước cơ thể vượt trội.

Một đặc điểm quan trọng khác giúp Titanoboa đã đạt kích thước khó tin là nhờ cơ chế tăng trưởng không giới hạn chúng. Nếu động vật có vú bị giới hạn tăng trưởng bởi yếu tố di truyền và tuổi thọ thì các loài bò sát lại có khả năng tăng trưởng liên tục suốt đời nếu điều kiện sống cho phép. Không chỉ vậy, rắn có thể tiêu hóa con mồi lớn trong nhiều ngày và nghỉ ngơi hàng tuần sau đó để phục hồi năng lượng. Chính cơ chế tiêu hóa và nghỉ ngơi hiệu quả cùng khả năng tăng trưởng liên tục đã góp phần tạo ra loài “quái vật” đầm lầy này.
Tuy nhiên, để đạt được kích thước lớn, một yêu cầu quan trọng là phải có sự cân bằng hoàn hảo trong hệ sinh thái, bao gồm nguồn thức ăn tương xứng. Theo các nhà nghiên cứu, động vật lý tưởng làm con mồi cho Titanoboa chỉ có thể là các loài bò sát khổng lồ như rùa hay cá sấu cổ đại. Giới khoa học từng khai quật rất nhiều hóa thạch rùa khổng lồ với mai bị vỡ thời kỳ Paleocene và cho rằng chúng từng bị tấn công bởi Titanoboa. Không chỉ vậy, sau khi khủng long bị xóa sổ, Titanoboa dễ dàng trở thành động vật ăn thịt đầu chuỗi trong hệ sinh thái khi không có kẻ thù cạnh tranh trực tiếp. Nguồn thức ăn dồi dào và “cơ hội sinh thái” đã cho phép Titanoboa có đủ năng lượng để phát triển và tăng trưởng kích thước cả đời.

Một điểm đáng lưu ý khác là trong kỷ Cổ Cận, Titanoboa sống ở La Guajira, là khu vực giàu rừng mưa nhiệt đới và hệ thống sông lớn. Theo các nhà cổ sinh vật học, nhờ hệ sinh thái đầm lầy nhiệt đới cổ đại, “siêu mãng xà” này có hành vi giống loài trăn xanh Nam Mỹ ngày nay khi chúng dành phần lớn thời gian trong nước suốt cả ngày. Lợi thế này cộng với cấu trúc cơ thể không chi linh hoạt đã giúp chúng dễ dàng di chuyển và săn mồi, đồng thời giảm áp lực lên xương và cơ bắp của “cụ tổ” rắn, giúp chúng phát triển và duy trì kích thước khổng lồ.
Sau những lý giải của các nhà khoa học, nhiều cư dân mạng đã từng băn khoăn rằng liệu loài “quái vật” khổng lồ này có thể xuất hiện trở lại hay không. Trả lời cho câu hỏi này, các nhà khoa học đã cho rằng, ngày nay, khí hậu và hệ sinh thái đều đã thay đổi và không còn phù hợp cho sự phát triển của những loài rắn khổng lồ. Tuy nhiên, bí ẩn về những loài động vật khổng lồ như Titanoboa vẫn luôn là đề tài hấp dẫn, kích thích trí tưởng tượng của con người.
