Loại cây được cho là có chất độc gấp 6.000 lần xyanua lại rất giống với cây đu đủ tía – một cây thuốc rất quen thuộc trong y học dâm gian của Việt Nam.
Cây đu đủ tía có tên khoa học là Ricinus Communis, thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae). Trong dân gian, loại cây này còn được gọi với các tên khác như thầu dầu tía, đu đủ dầu, dầu ve, tỳ ma.
Trong các bài thuốc dân gian của Việt Nam, lá và hạt đu đủ tía thường được dùng để đắp chữa các bệnh như viêm sưng, sa trĩ, sa tử cung, méo mồm, sót nhau do khó sinh đẻ. Lá đu đủ tía cũng được nấu tắm để chữa bệnh ghẻ lở, ngứa ngoài da.
Bên cạnh đó, tinh dầu đu đủ tía cũng được dùng làm thuốc tẩy xổ cho trẻ em và người lớn. Ngoài ra, một số địa phương còn dùng rễ và thân cây để sắc uống, chữa đau nhức xương khớp hoặc trĩ.
Không chỉ vậy, đu đủ tía cũng là thành phần quan trong trong các ngành công nghiệp sản xuất dầu máy bay, tổng hợp nước hoa, nguyên liệu in vải.
Thực hư việc cây đu đủ tía có độc gấp 6.000 lần xyanua?
Gần đây, mạng xã hội xôn xao khi một người phụ nữ ở Anh đã phát hiện một loại cây có chất độc gấp 6.000 lần xyanua có hình dáng rất giống cây đu đủ tía mà người Việt hay dùng.
Theo đó, người này phát hiện một loại cây có hình thù kỳ lạ trong khu vực trồng hoa công cộng ở Conwy, North Wales. Sau đó, cô đã kiểm tra trên một ứng dụng nhận dạng thực vật và phát hiện đó là loại cây có tên Ricinnus Communis, tên khoa học của cây đu đủ tía. Tuy nhiên, theo báo cáo từ ứng dụng, ẩn chứa bên trong loại cây có vẻ đẹp mắt này lại là loại độc tố khủng khiếp nhất thế giới.
Cụ thể, cây Ricinnus Communis có hàm lượng độc tố gấp 6.000 lần xyanua – một độc chất độc nhất trong các loại chất độc. Chỉ một lượng độc xyanua bằng hạt cát cũng có thể cướp đi sinh mạng của một người lớn. Sau khi nhiễm độc, nạn nhân sẽ bị tím tái, khó thở và có thể mất mạng trong vòng 72 giờ. Không chỉ vậy, nếu chỉ tiếp xúc, loại cây này có thể gây dị ứng và hen suyễn nghiêm trọng.
Từ đây, nhiều cư dân mạng hoang mang, lo lắng vì cây Ricinnus Communis rất phổ biến tại các vùng quê Việt Nam. Tuy nhiên, liệu loài cây này có thực sự nguy hiểm đến vậy?
Giới chuyên gia y học cũng có nhiều phản ánh trái chiều xung quanh vấn đề này. Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, loài cây Ricinnus Communis mà người phụ nữ ở Anh phát hiện và cây đu đủ tía ở Việt Nam là hai loài cây khác nhau. Cây đu đủ tía thường thấy ở Việt Nam là cây có hoa đỏ. Trong khi đó, loại cây được phản ánh “có chất độc gấp 6.000 lần xyanua” lại có hoa màu vàng.
Ngược lại, TS. Ngô Đức Phương, Viện trưởng Viện thuốc Nam nhận định, nếu căn cứ vào tên khoa học (Ricinnus Communis), đu đủ tía đúng là loại cây giống với phát hiện của người phụ nữ Anh. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc khẳng định tất cả các bộ phận của cây đu đủ tía đều có độc tính cao là chưa đủ chính xác.
Theo TS. Ngô Đức Phương, dầu thầu dầu có thể giải phóng axit ricin trong ruột. Đây vừa là một chất độc cũng vừa là chất gây miễn dịch. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra độc tố ricin sẽ bị phá hủy ở nhiệt độ cao. Do đó, nhiều người Việt Nam vẫn ăn hạt thầu dầu xào nấu nhưng không xuất hiện hiện tượng ngộ độc.
Tuy nhiên, TS. Ngô Đức Phương cũng nhấn mạnh, một hạt đu đủ tía tươi vẫn có thể gây nôn mửa, 3-4 hạt có thể khiến trẻ con tử vong và 14-15 hạt có thể cướp đi mạng sống của một người trưởng thành. Thực tế, đã từng có trường hợp 5 trẻ em ở Tuyên Quang ăn hạt thầu dầu tươi đã bị ngộ độc sau đó. Do đó, ông cũng đặc biệt lưu ý người dân cẩn trọng trong việc sử dụng loại cây có nguy cơ tiềm ẩn chết người này.