Site stats Bitcoin có gây hại cho môi trường? – Brain Berries

Bitcoin có gây hại cho môi trường?

Advertisements

Năm 2021, Bitcoin đã bước sang tuổi thứ 13. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu, đồng tiền vua này đã tăng trưởng phi mã, chạm mức đỉnh 60 ngàn USD hồi tháng 3/2021. Giá trị và sự phổ biến của coin này không còn là điều bàn cãi. Tuy vậy, khi giá Bitcoin ngày càng leo dốc và cơn khát của nhà đầu tư vào đồng tiền điện tử này ngày càng tăng , người ta lại đặt ra câu hỏi khác – Liệu Bitcoin có thúc đẩy quá trình “biến đổi khí hậu” toàn cầu?

Những lo ngại đầu tiên

Những đồng Bitcoin mới được tạo ra từ việc khai thác trực tuyến dựa trên nền tảng blockchain. Các thợ đào phải sở hữu những máy tính cấu hình cao để giải quyết các thuật toán phức tạp. Quá trình “đào” coin này đòi hỏi nguồn năng lượng lớn cần thiết để hỗ trợ sự vận hành của mạng lưới Bitcoin. Theo tính toán, mức năng lượng tiêu thụ hiện tương đương với mức tiêu thụ năng lượng của một quốc gia trong top 30 quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới. Nhu cầu năng lượng cao là một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến bitcoin có thể gây ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, khí thải CO2 gây ra từ các hoạt động giao dịch Bitcoin cũng là nguyên nhân gây hại cho môi trường.

Từ những ngày đầu khi Bitcoin được giới thiệu, một trong những nhân vật tiên phong trong lĩnh vực tiền điện tử, Hal Finney đã đề cập đến những lo ngại đầu tiên về môi trường. Sau 2 tuần kể từ giao dịch đầu tiên bằng Bitcoin được thực hiện, Hal Finney đã đăng một tweet đề cập đến khả năng tăng khí thải CO2. 

Ở giai đoạn đó, thông tin này chưa được chú ý nhiều. Trước năm 2017, mạng lưới Bitcoin tiêu hao mức năng lượng chưa nhiều đến mức lo ngại do nhu cầu sở hữu đồng tiền này chưa cao. Tuy vậy, ở những lần tăng giá sau đó khi Bitcoin chạm mốc 20.000 USD vào cuối năm 2017, mức năng lượng tiêu thụ của mạng lưới này tương đương mức tiêu thụ năng lượng của một quốc gia. 

bitcoin (BTC) coin being squeezed in vice on Vietnam flag background; concept of cryptocurrency bitcoin under pressure. Prohibition of cryptocurrencies, regulations, restrictions or security

Những tính toán “gây sốc” 

Những số liệu chính thức về quá trình khai thác Bitcoin trong những năm gần đây đã khiến cả thế giới kinh ngạc. Theo báo cáo của Digiconomist, tính đến cuối năm 2018, đồng tiền vua đã sử dụng 47 Twh/năm, tương đương nguồn cung cấp năng lượng cho 5 triệu hộ gia đình ở Mỹ.  

Theo tờ The Independent, Charles Hoskinson – CEO công ty mật mã IOHK cho hay, mức năng lượng Bitcoin tiêu thụ đã tăng gấp 4 lần kể từ cuối năm 2017. Nhà quản trị này dự đoán, lượng khí thải carbon từ Bitcoin sẽ tăng theo cấp số nhân khi đồng tiền này ngày càng có giá trị cao. 

Trong khi đó, theo số liệu mới nhất được cung cấp bởi Đại học Cambridge, mạng lưới khai thác Bitcoin toàn cầu đã sử dụng tới 128,84 TWh/năm, nhiều hơn lượng điện năng tiêu thụ mỗi năm ở Ukraina hoặc Argentina. Còn theo Digiconomist, mỗi giao dịch Bitcoin tạo ra lượng khí thải CO2 tương đương 735.121 giao dịch Visa. Như vậy, mức tiêu hao năng lượng và khí thải của Bitcoin đã đi ngược lại với mục tiêu của đồng tiền số này là trở thành giải pháp thanh toán hiệu quả thế hệ mới.

Hiện nay, khoảng 75% hoạt động khai thác Bitcoin của thế giới tập trung ở Trung Quốc, nơi giá điện rẻ và cũng tập trung các nhà sản xuất phần cứng chuyên dụng để đào Bitcoin. Theo một số liệu được công bố, các máy đào Bitcoin ở Trung Quốc thải ra lượng CO2 tương đương với lượng khí thải của 1 trong 10 thành phố lớn nhất của đất nước tỷ dân. 

Theo các chuyên gia, các công cụ khai thác Bitcoin càng ngày phức tạp hơn để đáp ứng yêu cầu  thuật toán ngày càng phức tạp trong khi số thợ đào bitcoin tham gia thị trường ngày càng tăng. Như vậy, mạng lưới bitcoin sẽ đòi hỏi sức mạnh tính toán nhiều hơn và từ đó, dàn “trâu cày” sẽ yêu cầu nhiều năng lượng tiêu thụ hơn. Chưa kể, ngoài Bitcoin còn có hàng trăm đồng tiền điện tử khác với cơ chế khai thác tương tự cũng đang trên đường đua phát hành và tăng trưởng mỗi năm. 

Broken bitcoin split in two pieces laying on a screen. The screen has red diagram. Bitcoin decline concept. 3D rendering

Đâu là giải pháp?

Trong bối cảnh gia tăng những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế về việc “xả rác” của vua tiền điện tử Bitcoin, nhiều đơn vị khai thác bắt đầu chuyển hướng sang sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường để đào Bitcoin. Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế, nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiết kiệm chi phí hơn nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.

Theo một nghiên cứu của Đại học Cambridge hồi năm 2020, có 76% thợ đào tiền kỹ thuật số đã sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong quá trình khai thác. Trước đó, năm 2018, con số này nằm ở mức 60%.

Tại Norway và Iceland, hầu như nguồn năng lượng đến từ nguồn tái tạo. Chính vì vậy, các thợ đào coin đã sử dụng nguồn năng lượng giá rẻ tái tạo từ thủy điện và địa nhiệt. Bên cạnh đó, nhiệt độ môi trường địa phương này thấp cũng là điều kiện giúp làm mát hệ thống máy tính một cách tự nhiên, giúp giảm chi phí hệ thống tản nhiệt.

Ngoài ra, các đồng tiền điện tử khác cũng đã tìm cách giải quyết vấn nạn “xả rác” ra môi trường bằng cách thay đổi công nghệ cốt lõi. Ví như đồng Cardano, đồng tiền kỹ thuật số này được nhiều chuyên gia tiền điện tử đánh giá có thể tiết kiệm năng lượng hơn 4 triệu lần so với Bitcoin nhờ công nghệ blockchain Proof-of-Stake. Do vậy, để Bitcoin thực sự trở thành đồng tiền thanh toán hiệu quả như mục tiêu ban đầu, việc thay đổi công nghệ cốt lõi để sử dụng năng lượng tái tạo là một giải pháp tiềm năng. 

A man hold a golden coin of bitcoin(BTC). A cryptocurrency made by Satoshi Nakamoto