Site stats “Bí quyết” tự nhiên để phòng chống bệnh tim mạch – Brain Berries

“Bí quyết” tự nhiên để phòng chống bệnh tim mạch

Advertisements

Tim mạch là một trong những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng con người và thường diễn tiến khá âm thầm. Do vậy, để phòng chống căn bệnh được ví như “kẻ giết người dấu mặt” này, bạn nên thực hiện những “bí quyết” tự nhiên như gợi ý của bài viết.

  1. Ăn nhiều các loại rau củ, trái cây và hải sản

Các loại rau củ và trái cây lànguồn bổ sung vitamin, khoáng chất phong phú và chất chống oxy hóa cho cơ thể con người. Các vitamin và khoáng chất giúp cơ thể, đặc biệt là hệ tim mạch và thần kinh hoạt động hiệu quả hơn. Chẳng hạn, chuối, nấm, súp lơ, cam, v.v. là những loại trái cây và rau củ chứa hàm lượng kali cao, giúp điều hòa huyết áp. Các chất chống oxy hóa trong rau củ và trái cây giúp bảo vệ các tế bào do khả năng trung hòa gốc tự do. Do vậy, các tế bào sẽ mạnh khỏe hơn và các bộ phận trong cơ thể vận hành trơn tru hơn. Các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cũng tăng cường khả năng chống viêm, loại bỏ sự tích tụ mảng bám trong lòng động mạch – nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch.

Bên đó, hải sản cũng là thực phẩm mà bạn nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày bởi hải sản có nguồn axit béo omega-3 dồi dào, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm nồng độ cholesterol xấu và giảm hàm lượng triglycerides trong máu. Hơn nữa, trong hải sản có rất nhiều khoáng chất như magiê, kali, tốt cho hệ tim mạch và thần kinh, giúp giảm căng thẳng thần kinh – tác nhân gây các bệnh tim mạch.

2. Hạn chế sử dụng chất béo xấu

Chất béo tốt hay chất béo không bão hòa như Omega-3, Omega-6, v.v. rất quan trọng đối với cơ thể bởi chất béo này giảm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt cho cơ thể. Tuy vậy, chất béo xấu hay còn gọi là chất béo chuyển hóa (tìm thấy trong bánh ngọt, thực phẩm đông lạnh, đồ ăn nhẹ, v.v.), chất béo bão hòa (tìm thấy trong thịt mỡ, trứng, da gia cầm, các loại sữa béo, kem, v.v.) lại gây hại cho cơ thể. Các loại chất béo này làm tăng cholesterol xấu, gây mảng bám vào thành mạch máu và là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh tim mạch, bạn cần hạn chế sử dụng các loại chất béo xấu trong thực đơn của mình.

3. Thường xuyên tập luyện

Việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên không chỉ giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể mà còn rất hữu ích đối với sức khỏe tim mạch. Khi bạn tập thể dục phù hợp và đúng cách, cơ thể bạn có thể giảm lượng cholesterol xấu do việc đốt mỡ hiệu quả hơn, giảm nguy cơ hình thành mảng bám trong mạch máu và giúp trái tim khỏe hơn. Tập thể dục cũng sẽ giúp bạn thư giãn, tránh được nguy cơ mắc bệnh tim mạch do căng thẳng. Tuy vậy, bạn cũng không nên phải tập thể dục quá nhiều khiến việc tập thể dục có thể gây phản tác dụng. Bạn chỉ cần dành khoảng 30 phút đi bộ mỗi ngày hoặc tập yoga, chạy bộ là đã có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

4. Không hút thuốc

Hút thuốc gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tim mạch. Hút thuốc làm hẹp động mạch (do nicotin làm thay đổi thành phần máu, tăng lắng đọng can-xi và hình thành mảng bám), tăng huyết áp (do nicotin kích thích tăng adrenaline, gây tăng huyết áp) và làm đông máu (các cục máu đông hình thành từ các mảng vữa), nguyên nhân dẫn đến những cơn đau tim. Hơn nữa, khi hút thuốc, hemoglobin trong máu kết hợp nhiều hơn với khí CO2, khiến lượng oxy trong máu sụt giảm. Do vậy, tim phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo cung cấp đủ oxy cho các tế bào. Theo thống kê, hút thuốc có thể dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh tim mạch cao gấp 2 – 4 lần bình thường. Do vậy, để phòng chống bệnh tim mạch, bạn nên bỏ thuốc lá.

Không chỉ vậy, khói thuốc lá cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh do cơ chế hút thuốc thụ động.

5. Kiểm soát cân nặng

Béo phì là tình trạng bệnh nhân có cân nặng chênh lệch quá nhiều so với chiều cao, được đo theo chỉ số khối lượng cơ thể (BMI). Nếu BMI (được tính bằng cách lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao) từ 30 trở lên thì bị coi là béo phì.

Béo phì và bệnh tim mạch có mối quan hệ trực tiếp. Béo phì sẽ gây ra xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ hình thành huyết khối, cản trở lượng máu chuyển đến để nuôi tim và gây ra nhồi máu cơ tim. Béo phì cũng làm tăng nguy cơ viêm hệ thống trong các bệnh lý về tim mạch.

Vì vậy, để phòng ngừa các bệnh tim mạch, bạn hãy luôn giữ cân nặng của mình ở mức ổn định thông qua việc thực hiện chế độ ăn uống hợp lý và rèn luyện thể thao mỗi ngày.

6. Giảm thiểu căng thẳng

Căng thẳng thường xuyên cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Khi bạn bị căng thẳng, các hormone như cortisol và adrenaline sẽ được tiết ra cao hơn bình thường, gây tăng huyết áp. Nếu thường xuyên ở trong tình trạng căng thẳng, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, huyết khối, v.v. Vì vậy, bạn cần học cách quản lý, kiểm soát căng thẳng để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

7. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe

Việc lắng nghe cơ thể và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để kịp thời phát hiện các bệnh lý tim mạch là rất cần thiết bởi căn bệnh này diễn tiến khá âm thầm. Bạn nên kiểm tra sức khỏe tim mạch của mình 1 năm/lần hoặc 6 tháng/lần tùy theo độ tuổi của bạn và tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Nếu bạn mắc các vấn đề liên quan đến sức khỏe tim mạch như mỡ máu, tiểu đường, rối loạn nhịp tim, cường giao cảm, v.v. bạn cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và điều chỉnh lối sống để giảm nguy cơ tiến triển của bệnh.

Đặc biệt, bệnh tim mạch thường có liên quan đến các yếu tố di truyền. Vì vậy, nếu trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch thì bạn cũng nên chú ý và chủ động đi kiểm tra sức khỏe của mình.