Đã có không ít thông tin về tác hại của những món ăn nhanh, trong đó có mì ăn liền nhưng có lẽ vì đây là món ăn tiện dụng, lại ngon miệng nên nhiều người đã cố tình “ngó lơ” những bất lợi từ nó.
Thành phần chính là bột mì trắng
Hầu như loại mì ăn liền nào cũng được làm từ maida, một phiên bản bột mì đã được xay, tinh chế và tẩy trắng. Điều khiến maida có hại cho sức khỏe là vì nó được qua khâu chế biến quá sâu với mục tiêu tạo ra hương vị đậm đà hơn nhưng lại rất nghèo nàn về dinh dưỡng. Tiến sĩ Simran Saini, Chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Fortis (Ấn Độ) đã cho biết: “Những loại mì ăn liền làm từ maida có thể gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Những gì còn sót lại của nó có thể đi đến vùng ruột thừa của cơ thể và gây ra nhiễm trùng”. Ngoài ra, ăn nhiều bột mì trắng sẽ khiến đường huyết tăng vọt, tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường.
Hồ sơ dinh dưỡng thấp
Mì ăn liền chủ yếu được làm từ bột mì trắng, thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu như chất xơ, protein hay vitamin, khoáng chất. Ví dụ, trung bình, một khẩu phần mì ramen chứa 2g protein, chỉ tương đương 4% lượng khuyến nghị hàng ngày. Đó là lý do khiến nhiều nhà khoa học ví von việc ăn mì tôm như việc ăn “không khí”. Một số nghiên cứu chỉ ra việc tiêu thụ mì ăn liền thường xuyên có liên quan đến thiếu hụt dinh dưỡng, khi lượng protein, canxi, vitamin C, phốt pho, sắt, niacin và vitamin A giảm đáng kể. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt, suy yếu chức năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các rối loạn tiêu hóa và về lâu dài, sức khỏe tổng thể sẽ giảm sút.
Đầy phụ gia monosodium glutamate (MSG)
Mì ăn liền có chứa MSG, một chất phụ gia “thần thánh” để làm tăng hương vị và độ ngon miệng. Mặc dù nó được FDA chấp thuận nhưng theo một số báo cáo, việc tiêu thụ MSG có liên quan đến các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, căng cơ, đau ngực, hồi hộp và đỏ bừng mặt. Một số nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên kết giữa việc tiêu thụ nhiều MSG với bệnh béo phì và tăng huyết áp.
Chứa chất bảo quản có trong ngành công nghiệp dầu mỏ
Ngoài MSG, mì gói cũng chứa đầy chất bảo quản có hại như tertiary-butyl hydroquinone (TBHQ). Đây là một chất bảo quản hóa học có nguồn gốc từ ngành công nghiệp dầu mỏ – được dùng trong mì ăn liền vì đặc tính giúp tăng cường và bảo quản hương vị của chúng. Dù lượng chất bảo quản này được xem là nhỏ và có thể không gây hại ngay lập tức nhưng việc tích tụ lâu dài nếu tiêu thụ mì gói thường xuyên sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho hệ thần kinh, gây trở ngại cho quá trình tiêu hóa và thậm chí là có nguy cơ ung thư.
Hàm lượng natri quá cao
Là khoáng chất thiết yếu nhưng tiêu thụ quá nhiều natri có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như huyết áp tăng vọt, phù nề, ung thư dạ dày và tổn thương thận. Trong mì ăn liền, người ta thường đưa vào hàm lượng natri cao để tăng hương vị và bảo quản sản phẩm. Trung bình, một khẩu phần 100g mì ăn liền có thể chứa từ 397 – 3.678mg natri, có thể vượt quá khuyến nghị tiêu thụ 2.000mg mỗi ngày của WHO.
Nhiều chất béo xấu
Mì gói được xem là “đại tiệc” nơi các loại chất béo xấu tung hoành. Kể từ khi được phát minh đến nay, quy trình sản xuất mì ăn liền vẫn chủ yếu như cách truyền thống, tức là cán mỏng bột, cắt thành mì, sau đó hấp, sấy khô, chiên mì để khử nước. Khi được chiên ngập dầu, hàm lượng chất béo bão hòa trong mì gói tăng cao, từ đó làm tăng mức cholesterol xấu, là “kẻ thù không đội trời chung” của nhiều căn bệnh nguy hiểm như xơ vữa động mạch, bệnh tim hay đột quỵ
Chứa hóa chất độc hại propylene glycol, BPA
Mì ăn liền có chứa propylene glycol, một loại hóa chất chống đông giúp giữ độ ẩm và tránh bị khô. Khi bạn ăn mì gói quá thường xuyên, nó có thể tích tụ trong tim, thận và gan, gây tổn thương hệ miễn dịch. Ngoài ra, “bom nổ chậm” mì gói còn chứa hóa chất độc hại bisphenol A (BPA), được sử dụng trong bao bì và có thể “di chuyển” vào sợi mì, đặc biệt là ở nhiệt độ cao. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng một nhãn hiệu mì ăn liền có lượng BPA trong bao bì cao gấp 140 lần so với một loại mì tươi tương tự. BPA tích tụ nhiều trong thực phẩm có thể gây ra chứng dậy thì sớm, thay đổi hành vi, bệnh down, góp phần gây ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.