Dù rất khó tin, nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại những nền văn minh gần như hoặc không có liên hệ với thế giới bên ngoài. Vì họ đều sống trên những hòn đảo xa xôi hoặc ẩn mình sâu trong rừng rậm, những nơi rất khó tiếp cận bằng ô tô/thuyền/trực thăng/kỳ lân. Sau đây là 6 bộ lạc sống biệt lập mà chắc chắn sẽ được cả thế giới nhấn nút theo dõi nếu họ có kết nối WiFi.
Kawahiva (Brazil)
Nhìn chung, bằng chứng về sự tồn tại của bộ lạc Kawahiva chủ yếu là bằng chứng khảo cổ học (nhà bỏ hoang, mũi tên, võng, v.v…). Nhưng một thước phim đã ghi được hình bộ lạc vào năm 2011 và thu hút đông đảo sự chú ý trên toàn thế giới. Được dân địa phương gọi là “những người thấp bé” hay “những người đầu đỏ”, bộ lạc Kawahiva chỉ có khoảng 30 người, sống gần thành phố Colniza của Brazil. Do các mối đe dọa từ bên ngoài, nên họ sống du mục, nhưng có bằng chứng cho thấy rằng họ từng sống định cư tại một khu vực. Người Kawahiva còn được biết đến nhờ xây dựng nên hệ thống thang công phu, dùng để leo lên cây lấy mật ong.
Yanomami (Venezuela)
Hàng ngàn năm nay, người Yanomami sinh sống ở dải rừng nhiệt đới bao quanh vùng phía nam Venezuela và bắc Brazil. Trong số 35.000 người Yanomami, hầu hết đều sống định cư trong những ngôi làng nằm rải rác trong khu vực, nhưng số người Moxateteu – tên gọi dành cho những người Yanomami sống biệt lập – vẫn tương đối lớn. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, sự tàn phá của dịch sởi đã gây ảnh hưởng nặng nề đến dân số của bộ lạc Yanomami, tới năm 2018, thêm 500 người nữa lại bị nhiễm bệnh. Hoạt động khai thác vàng cũng là một mối đe dọa tới đời sống người dân bộ lạc này.
Mashco Piro (Peru)
Với dân số trong khoảng từ 100 đến 250 người, bộ lạc Mashco Piro đang đối mặt với những mối nguy hại từ hoạt động khai thác gỗ và dầu mỏ/dầu khí. Họ thường xa lánh người ngoài, điều này cũng dễ hiểu bởi năm 1894, đội quân của nam tước cao su người Peru, Carlos Fitzcarrald, đã tàn sát rất nhiều tổ tiên người Mashco Piro. Tuy nhiên, do bị ép buộc phải rời khỏi nơi sinh sống, nên một bộ phận đã bắt đầu ra thế giới bên ngoài. Người ta còn thấy họ đi xin thức ăn ở khu vực lân cận nơi sinh sống. Điều này cũng ẩn chứa những rủi ro nhất định, vì người Mashco Piro không có khả năng miễn dịch với các bệnh thông thường.
Ayoreo (Paraguay)
Được cho là nhóm người bản địa Nam Mỹ cuối cùng sống biệt lập bên ngoài lưu vực Amazon, các nhà truyền giáo Kito lần đầu tiên chạm trán người Ayoreo vào những năm 1720. Nhưng khi hoạt động truyền giáo bị dừng vào khoảng những năm 1740, người Ayoreo lại tiếp tục sống biệt lập trong 200 năm tiếp theo. Trong giai đoạn đầu thế kỷ 19, nhiều thổ dân Ayoreo đã bị sát hại do hành động diệt chủng và bắt cóc trẻ em. Dù hiện nay đa số 5.600 người Ayoreo đều sống định cư, nhưng vẫn còn khoảng 100 người sống tách biệt theo lối sống du mục trong rừng Chaco. Thế nhưng, do người khai thác gỗ đốn rừng bằng máy ủi, điều này càng khiến cho thổ dân Ayoreo chạy trốn sâu hơn vào trong rừng. Bên cạnh nạn khai thác gỗ, sự xuất hiện của các loại bệnh mà người Ayoreo không có khả năng miễn dịch cũng đe dọa tới dân số của bộ tộc này.
Awá (Brazil)
Trong số những bộ lạc đề cập trong bài, Awá là bộ lạc đang có nguy cơ cao nhất sẽ biến mất. Họ sống ở trong rừng Amazon dọc biên giới Brazil/Peru, và trong số 600 thành viên thuộc bộ lạc, chỉ có khoảng 100 người vẫn sống du mục. Hai mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của họ là nạn khai thác gỗ trái phép và cháy rừng. Chính vì vậy, một bộ lạc khác – những người Guajajara – đã tự đứng ra làm người bảo hộ cho bộ lạc Awá.
Sentinelese (Quần đảo Andaman)
Cho đến nay, Sentinelese là bộ lạc biệt lập nhận được nhiều bàn luận nhất. Người Sentinelese sinh sống trên đảo Bắc Sentinel, trên lý thuyết đây là vùng lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ, nhưng thực tế là người dân trên hòn đảo này hoàn toàn tự chủ. Thổ dân nơi dây cực kỳ “gắt” với những ai đến gần hòn đảo. Gần như không ai biết gì về người dân trên đảo, ngay cả ngôn ngữ họ sử dụng cũng bí ẩn đến mức chưa thể phân loại được. Bộ lạc này không có hoạt động nông nghiệp và cũng không ai rõ thổ dân ở đây có biết dùng lửa hay không. Dù luật pháp đã cấm người nơi khác tiếp cận hòn đảo này, nhưng điều đó cũng không thể ngăn một nhà truyền giáo người Mỹ đặt chân đến đây và cố gắng thuyết phục thổ dân Sentinelese theo Kito giáo vào tháng 11 năm 2018. Chắc bạn có thể hình dung được kết quả ra sao. Chẳng có kế hoạch nào được triển khai để lấy lại xác của người truyền giáo đó cả.