Với lịch sử tồn tại hơn 200 năm, nhà Lý đã mở đầu thời kỳ thịnh trị của nước Đại Việt thời kì phong kiến. Người có công khai sinh ra triều Lý là vua Lý Công Uẩn, tức Lý Thái Tổ, người được tôn thờ là bậc vĩ nhân trong thời kì phong kiến. Tuy vậy, xuất thân của Lý Công Uẩn vẫn khiến các nhà sử học đau đầu. Những giai thoại về ông cũng đậm sắc màu huyền bí.
Chỉ dấu “Thiên mệnh hoàng đế” trong lòng bàn tay
Lý Công Uẩn sinh ngày 8/3/974 (tức 12/2 năm Giáp Tuất) tại cửa tam quan, chùa Ứng Tâm (hay còn gọi là chùa Cổ Pháp, chùa Dận). Ngay từ khi lọt lòng, ông đã không có cha, mẹ ruột của ông là Phạm Thị cũng qua đời ngay sau đó. Đáng nói, trước đó, sư trụ trì chùa Ứng Tâm còn được thần báo mộng là phải “dọn chùa cho sạch để đón hoàng đế đến”. Khi Lý Công Uẩn ra đời, nhà sư phát hiện trên tay cậu bé sơ sinh có 4 chữ đỏ như son “Sơn hà xã tắc”.
Cũng có lời đồn đại dân gian cho rằng Lý Công Uẩn là con ruột của sư trụ trì chùa Ứng Tâm nhưng giả thiết này được cho là quá táo bạo nên đã bị các nhà sử học bác bỏ. Đến nay, chưa có nhà sử học nào có thể tìm được đáp án chính xác về xuất thân của vị hoàng đế vĩ đại triều Lý.
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Lý Công Uẩn được cha nuôi là Lý Khánh Văn hết mực yêu thương, dạy dỗ. Ngoài sự thông minh, tuấn tú khác người, Lý Công Uẩn cũng là cậu bé tinh nghịch và ham chơi. Ông nổi tiếng với giai thoại “đày Thần 3 ngàn dặm” vì đã viết dòng chữ này vào tượng thần Hộ Pháp khi biết thần Hộ Pháp báo mộng cho cha nuôi về việc Lý Công Uẩn đã ăn oản thay vì cúng thần Hộ Pháp. Thiền sư Vạn Hạnh (anh trai Lý Khánh Văn) vì biết ông có khí chất đế vương từ nhỏ nên cũng hết lòng dạy dỗ binh pháp và võ công, hết lòng giúp đỡ Lý Công Uẩn để làm nên nghiệp lớn. Thậm chí, Thiền sư còn ca ngợi Lý Công Uẩn “không phải là người thường, lớn lên có thể phò nguy, làm minh chủ thiên hạ”.
Dù xuất thân “mờ ảo” nhưng cho đến nay, dân gian vẫn tin rằng Lý Công Uẩn là bậc vĩ nhân “ứng mệnh trời”, khi ông lên ngôi hoàng đế và khai sinh ra triều đại nhà Lý với lịch sử phát triển rực rỡ trong sử sách Việt.
“Sấm truyền” về nhà Lý
Với trí tuệ siêu phàm và tấm lòng trung nghĩa, yêu dân, dưới triều Tiền Lê, Lý Công Uẩn đã đảm nhận tới chức “Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ” – một chức vụ chỉ dành cho những người thuộc dòng dõi hoàng tộc. Năm 1005, khi vua Lê Đại Hành mất, Lê Trung Việt lên ngôi trong bối cảnh huynh đệ tương tàn, lấy hiệu là Lê Trung Tông. Chỉ sau 3 ngày, Lê Trung Tông đã bị em trai là Lê Long Đĩnh giết hại để cướp ngôi. Cuộc sát hại đẫm máu khiến quan lại đều bỏ chạy, duy chỉ có Lý Công Uẩn một lòng trung thành, ôm xác vua mà khóc khiến Lê Long Đĩnh cũng phải nể phục.
Sau đó, Lý Công Uẩn được trọng dụng và được tiến chức lên đến “Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ”. Dưới thời Lê Long Đĩnh trị vì, lòng dân oán thán vì tính cách ngang ngược, tàn độc, dâm đãng của vị hôn quân. Đến năm 1009, Lê Long Đĩnh qua đời, Lý Công Uẩn được triều thần tôn lên ngôi Hoàng đế, sáng lập ra triều đại nhà Lý, lấy hiệu là Lý Thái Tổ.
Có giai thoại là việc xưng bá thiên hạ của Lý Công Uẩn cũng từng được báo trước. Theo dân gian, ở làng Cổ Pháp, nơi Lý Công Uẩn lớn lên có một cây cổ thủ bị sét đánh. Khi đó, vỏ cây bị bong tróc làm lộ “điềm báo” từ các câu sấm trên thân cây: “Thụ căn yểu yểu/ Mộc biểu thanh thanh/ Hòa đao mộc lạc/ Thập bát tử thành”. Hàm ý các câu sấm này nhắc đến việc nhà Lê sẽ mất, nhà Lý đăng cơ.
Suốt gần 20 năm trị vì, Lý Thái Tổ rất được lòng dân vì sự anh minh, thương dân như con. Ông cũng có công lớn trong việc dẹp loạn và thu phục lòng tin của các tộc người ở vùng biên cương. Ngoài ra, với tầm nhìn xa trông rộng của mình, Lý Thái Tổ cũng là vị vua có công đầu trong việc dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội).
Triều đại nhà Lý kéo dài 216 năm, tức đến năm 1225, khi Lý Chiêu Hoàng – vị vua của thời Lý bị ép thoái vị, nhường ngôi cho chồng nàng là Trần Cảnh.