Có rất nhiều vận động viên Châu Á đã góp phần làm nên những kỉ lục thể thao thế giới. Họ đã tạo nên những kỳ tích tại các giải đấu danh giá như Olympic, World Cup, Grand Slam hay NBA.
- Lin Dan (1983 – Trung Quốc)
Là một trong những tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử bộ môn cầu lông thế giới, Lin Dan nổi tiếng với phong cách thi đấu chắc chắn và tâm lý tốt. Lối chơi của anh đã được giới chuyên môn đánh giá là gần như hoàn hảo và luôn khiến các đối thủ ở phía bên kia lưới cảm thấy nản lòng khi đối đầu. Kể từ khi thi đấu chuyên nghiệp từ năm 2001 đến nay, anh sở hữu một bộ thành tích đồ sộ với hai chiếc Huy chương vàng Olympic năm 2008 và 2012; năm chức Vô địch Thế giới và sáu lần dành vị trí quán quân giải Toàn Anh. Năm 28 tuổi, tay vợt người Trung Quốc, người được mệnh danh là huyền thoại cầu lông của mọi thời đại, đã dành tất cả chín danh hiệu lớn nhất thế giới bao gồm: Giải Vô địch Cầu lông Thế giới, Olympic, Cúp cầu lông thế giới, Super Series Masters Finals, Thomas Cup, giải Toàn Anh mở rộng, giải vô địch Châu Á, Đại hội Thể thao Châu Á và Cúp cầu lông Châu Á.
Sau gần 20 năm thi đấu và đạt được đỉnh cao sự nghiệp, Lin Dan đã tuyên bố giải nghệ vào ngày 4/7/2020 bởi tình trạng sức khỏe và chấn thương không cho phép anh tiếp tục các giải đấu chuyên nghiệp.
- Li Na (1982 – Trung Quốc)
Là vận động viên quần vợt Châu Á đầu tiên chiến thắng ở giải Grand Slam, Li Na là một trong những nữ vận động viên xuất sắc nhất Châu Á ở bộ môn thể thao này. Cô sinh ra trong một gia đình say mê thể thao ở Vũ Hán (Trung Quốc). Ngay từ khi mới 6 tuổi, cô đã bắt đầu làm quen với môn quần vợt. Ở tuổi 13, cô đã được lựa chọn vào đội tuyển quốc gia Trung Quốc. Nhờ niềm đam mê với thể thao và quá trình khổ luyện từ rất sớm nên Li Na sở hữu lối chơi mạnh mẽ, quyết liệt và là một đối thủ đáng gờm trên sân của làng quần vợt quốc tế.
Năm 2011, cô đã tạo nên kỳ tích ở bộ môn thể thao này khi cô vô địch giải Pháp mở rộng và trở thành người châu Á đầu tiên thắng giải đơn Grand Slam. Đến năm 2014, cô giành được danh hiệu Grand Slam thứ nhì ở giải Úc mở rộng. Chiếc cúp vô địch này đã giúp Li Na có được vị trí số 2 thế giới ở bảng xếp hạng WTA, điều mà chưa có tay vợt châu Á nào làm được trước đó. Tuy vậy, Li Na đã phải quyết định giải nghệ trong năm này khi không thể điều trị dứt điểm các chấn thương dai dẳng.
3. Manny Pacquiao (1978 – Phillipines)
Manny Pacquiao (tên gọi khác là Pacman) là một võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp hạng bán trung, đồng thời là một chính trị gia của Philippines. “Tay đấm” người Phillipines sở hữu thành tích vẻ vang với tám lần vô địch quyền anh thế giới và là võ sĩ đầu tiên trong lịch sử đoạt tám danh hiệu vô địch thế giới ở bảy hạng cân khác nhau.
Anh được người hâm mộ biết đến sau hai trận thắng vang dội trước hai đối thủ tên tuổi trên thế giới là Oscar de la Hoya và hạ đo ván Ricky Halton để giành đai hạng nhẹ, sau đó tiếp tục quật ngã Miguel Cotto để vô địch hạng bán trung vào năm 2009.
Với lối đánh nhanh và mạnh mẽ, trong suốt sự nghiệp thi đấu của mình, Pacquiao đã có 56 lần thượng đài và chỉ thua đúng 3 trận, hòa 2 trận. Trong đó, với 51 trận thắng, anh đã 38 lần hạ knock-out đối thủ. Năm 2012, Hiệp hội các cây bút quyền anh Mỹ đã bình chọn vận động viên Phillipines là “võ sĩ của thập kỷ”.
Dù đang còn thi đấu, nhưng từ tháng 7/2019 đến nay, Pacquiao không có trận thượng đài nào do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
4. Yao Ming (1980 -Trung Quốc)
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về môn thể thao bóng rổ, Yao Ming đã thừa hưởng “gien” chơi bóng và những kinh nghiệm thi đấu quý giá từ bố mẹ. Với chiều cao 2,29 m và tư duy chơi bóng thông minh, Yao Ming sớm vươn tầm ngôi sao tại giải nhà nghề của Mỹ – NBA. Điểm mạnh của Yao Ming là luôn tận dụng triệt để lợi thế về chiều cao của mình để ghi điểm bằng những cú ném tầm trung. Bên cạnh đó, anh cũng sở hữu khả năng xoay sở linh hoạt ở khu vực dưới rổ.
Dù chỉ thi đấu 8 mùa giải ở NBA, nhưng huyền thoại này đã gặt hái rất nhiều thành công mà chưa có cầu thủ châu Á nào đạt được. Số điểm trung bình của anh trước khi giải nghệ là 19 điểm và 9,2 rebounds sau hơn 480 trận đấu. Anh cũng góp mặt trong các trận đấu All-star. Tuy vậy, do chấn thương, Yao Minh phải giải nghệ vào năm 2011. Với những thành tích đáng nể của anh, năm 2016, anh đã vinh dự được điền tên vào ngôi đền huyền thoại NBA. Yao Ming đã trở thành niềm tự hào của thể thao Trung Quốc và là một trong những cầu nối để đưa NBA đến với Trung Quốc.
5. Park Ji-sung (1981 – Hàn Quốc)
Từng được mệnh danh là “chiến binh không phổi” của CLB Man Utd, Park Ji-sung, tiền vệ người Hàn Quốc, được xem là cầu thủ châu Á thành công nhất tại nước Anh. Anh đã giành được tổng cộng 4 chức vô địch Premier League, 3 lần đạt League Cup, 4 lần đạt Community Shield, 1 lần đạt Champions League (2007-08) và 1 lần đạt FIFA Club World Cup (2008). Quan trọng hơn, anh luôn đóng vai trò quyết định trong giai đoạn thành công của Quỷ đỏ thành Manchester nhờ phong cách chơi bóng bền bỉ và khả năng chạy bằng “năng lượng hạt nhân”.
Ở đội tuyển quốc gia Hàn Quốc, Park Ji-sung từng góp công trong chiến tích giúp Hàn Quốc giành vị trí thứ tư World Cup 2002. Nhờ những thành tích này, Park Ji-sung trở thành một trong những cầu thủ có lượng fan khổng lồ tại châu Á. Sau những thành công đáng nể, năm 2014, Park Ji-sung quyết định giải nghệ ở tuổi 33 do tuổi tác và những chấn thương khó phục hồi.
6. Son Heung-min (1992 – Hàn Quốc)
Được mệnh danh là cầu thủ bóng đá chạy cánh hay nhất thế giới và vận động viên bóng đá người Châu Á xuất sắc nhất Châu Âu, Son Heung-min là vận động viên châu Á nổi tiếng nhất hiện nay ở lĩnh vực bóng đá. Anh đã có 4 lần vinh dự nhận danh hiệu cầu thủ châu Á xuất sắc nhất năm của AFC, 1 lần được đề cử vào danh sách Quả bóng vàng vào năm 2019.
Ở Hàn Quốc, tiền đạo có khuôn mặt điển trai này cũng từng cùng đội Olympic Hàn Quốc lọt vào tứ kết Olympic Rio 2016 và sau đó giành được tấm huy chương vàng tại ASIAD 2018. Sở hữu tốc độ và sự nhạy bén trong phong cách thi đấu, hiện anh vẫn đang quân bài quan trọng trong tay của HLV Mourinho tại CLB Tottenham.