Site stats Làm sao để vượt qua căn bệnh “nghiện” Internet? – Brain Berries

Làm sao để vượt qua căn bệnh “nghiện” Internet?

Advertisements

Căn bệnh “nghiện” internet đang ngày càng phổ biến và gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và hậu quả xã hội. Làm sao để vượt qua “căn bệnh” này?

Thế nào là “nghiện” internet?

“Nghiện” internet (tên tiếng anh là “Internet addiction disorder”) là một hội chứng lạm dụng internet hay việc sử dụng internet triền miên, quá thời hạn cho phép trong một ngày dẫn đến các rối loạn về sức khỏe tâm thần, rối loạn về sức khỏe thể chất và những hậu quả về xã hội.

Người “nghiện” internet có nguy cơ cao mắc các bệnh về trầm cảm, rối loạn thần kinh thực vật hơn những người bình thường. Bên cạnh đó, họ cũng có nguy cơ cao mắc các rối loạn về thể chất như suy giảm hệ miễn dịch do ngủ không đủ giấc, rối loạn giấc ngủ, suy giảm chuyển hóa do ngồi nhiều, ít vận động, mắc các hội chứng ống cổ tay, các bệnh về mắt, thắt lưng và các bệnh về tim mạch.

Về mặt xã hội, “nghiện” internet dẫn đến suy giảm năng lực học tập và làm việc, giảm hiệu suất lao động và tăng các vấn đề xã hội như vô cảm, suy giảm giao tiếp thực tế giữa người với người và gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ xã hội do các mối quan hệ này không được xây dựng do các cá nhân sà đà vào thế giới ảo.

Khi nào được xem là “nghiện” internet?

Nếu bạn có các triệu chứng sau đây, bạn đang có nguy cơ “nghiện” internet. Bạn thường xuyên thức khuya và/hoặc không thể không sử dụng internet mọi lúc, mọi nơi. Bạn cảm thấy khó chịu, bồn chồn khi không được sử dụng internet. Bạn không thể kiểm soát thời gian dành cho internet của mình. Bạn ngại ra ngoài và tiếp xúc trực tiếp với mọi người so với tiếp xúc trên mạng.

Vậy làm thế nào để vượt qua căn bệnh này?

Gặp bác sĩ/chuyên gia tâm lý

Nếu bạn đã “nghiện” internet nặng, bạn cần sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý hoặc một chuyên gia về tâm lý hoặc bất kì ai thân thiết, có bản lĩnh mà bạn tin tưởng. Họ sẽ giúp bạn hiểu ra vấn đề mà bạn mắc phải và giúp bạn có thêm động lực để kiểm soát bản thân. Đừng ngại ngần chia sẻ những triệu chứng “nghiện” internet mà mình mắc phải và những khó khăn của mình trong học tập và công việc khi nghiện internet để họ có thể giúp bạn một cách tốt nhất.

Hãy tạm thời ngắt kết nối internet

Bước khởi đầu cho quá trình “cai nghiện” internet bao giờ cũng khó khăn. Do vậy, để bạn có thể từng bước xây dựng sức “phản vệ” cho mình khỏi cám dỗ của internet, hãy tạm thời ngắt kết nối internet ở nhà bạn và trên điện thoại. Khi bạn không có kết nối internet, bạn sẽ không bị cám dỗ bởi những trang mạng hấp dẫn dù trong lòng bạn rất muốn vào internet.

Hãy lên kế hoạch cho các hoạt động thực tế trong thời gian “cai nghiện” internet

Khi bạn rảnh rỗi, bạn sẽ có xu hướng buồn chán và tìm đến internet. Vì vậy, bạn cần lên kế hoạch cho các hoạt động thực tế trong thời gian “cai nghiện” internet. Chẳng hạn, bạn có thể lên kế hoạch gặp gỡ bạn bè, đi học các lớp kĩ năng sống, các lớp tiếng Anh, hay các lớp yoga, nhảy, nữ công gia chánh. Bạn cũng có thể lên mục tiêu hoàn thành đọc một cuốn sách bất kì, học một môn thể thao, tập một bản đàn, hoặc tham gia hoạt động từ thiện, v.v. Hoặc đơn giản là xỏ giày và đi bộ hoặc chạy. Hãy lên kế hoạch cho bất kì hoạt động thực tế nào mà bạn hứng thú. Bạn sẽ quên đi cảm giác thèm muốn sử dụng internet.

Rủ bạn bè cùng thực hiện

Bạn có thể rủ thêm bạn bè cũng đang gặp vấn đề tương tự như mình thực hiện việc “cai nghiện” internet. Việc “cai nghiện” sẽ hiệu quả hơn bởi các bạn có thể cùng nhau thi đua để vượt qua “căn bệnh” này và cùng nhau tham gia các hoạt động xã hội để tránh xa internet.

Rèn kĩ năng quản lý thời gian

Khi bạn đã có thể “cai nghiện” internet, nghĩa là bạn không còn hoàn toàn phụ thuộc vào nó. Tuy vậy, do yêu cầu học tập hoặc công việc, bạn vẫn cần phải sử dụng internet. Do vậy, để tránh “tái nghiện”, bạn cần rèn luyện kĩ năng quản lý thời gian. Buổi tối hôm trước khi đi ngủ, hãy lập một danh sách những công việc bạn cần làm trong ngày hôm sau và lên thời hạn cho từng công việc. Hãy quyết tâm hoàn thành công việc theo đúng thời hạn, tránh để việc sử dụng internet ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của bạn. Nếu bạn có thời gian rảnh trong ngày, hãy lên kế hoạch về hoạt động ngoài trời để tránh xa internet.

Ghi lại những tiến bộ của mình và tự thưởng bản thân

Bạn có thể ghi lại số giờ sử dụng internet mỗi ngày của mình tính từ ngày bắt đầu thực hiện “cai nghiện” internet. Hãy cố gắng giảm số giờ sử dụng internet. Khi bạn phải mở lại kết nối internet để học tập và làm việc, hãy ghi rõ số giờ dùng internet cho học tập, làm việc và các hoạt động khác. Khi bạn theo dõi số giờ mà mình sử dụng internet, bạn sẽ thấy được sự tiến bộ của mình và có động lực hơn trong việc “cai nghiện” internet. Việc ghi chép này cũng giúp bạn quản lý thời gian tốt hơn.

Và điều quan trọng là hãy tự thưởng cho bản thân vì những tiến bộ đó bằng việc ra ngoài mua một món ăn yêu thích, mua một món đồ yêu thích, hoặc đơn giản là đi dạo và ngắm hoa lá, cỏ cây. Bạn sẽ thấy yêu cuộc sống hơn và có thể tránh xa được internet.