Họ là những nhà khoa học, nhà kinh tế, và nhà văn người Châu Á đầu tiên được trao giải Nobel ở từng lĩnh vực. Họ đến từ Ấn Độ, Nhật Bản, và cả Việt Nam!
- Chandrasekhara Venkata Raman – Giải Nobel Vật lý năm 1930
Sinh năm 1888, mất năm 1970, Chandrasekhara Venkata Raman là một nhà Vật lý Ấn Độ khi còn là thuộc địa của Anh. Ngay từ nhỏ, ông đã có kết quả học tập xuất sắc. Ông hoàn thành sớm chương trình phổ thông năm 13 tuổi và đứng đầu kì thi lấy bằng cử nhân đại học năm 16 tuổi. Năm 1930 với việc tìm ra hiệu ứng Raman hay còn gọi là tán xạ Raman, tán xạ không đàn hồi của các photon, ông đã được trao giải Nobel Vật lý. Ông đã trở thành nhà khoa học Châu Á đầu tiên nhận giải thưởng danh giá này.
- Fukui Kenichi – Giải Nobel Hóa học năm 1981
Fukui Kenichi, sinh năm 1918, mất năm 1998, là nhà Hóa học người Nhật Bản và cũng là nhà Hóa học người Châu Á đầu tiên đạt giải Nobel về Hóa học năm 1981. Ông cùng nhà Hóa học Roald Hoffman được trao giải Nobel cho những phát hiện độc lập về các phản ứng hóa học. Công trình nghiên cứu của Fukui Kenichi đã chỉ ra vai trò của các frontier orbitals trong các phản ứng hóa học. Cụ thể, khi các nguyên tử chia sẻ các electron liên kết lỏng lẻo tạo nên các frontier orbitals là khi đạt hai cực – quỹ đạo phân tử bị xâm chiếm cao nhất và ít nhất.
Để đạt được thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, Fukui Kenichi, con cả trong một gia đình chuyên về buôn bán, đã được định hướng bởi giáo sư Gen-itsu Kita thuộc trường Đại học Hoàng Gia Tokyo. Trước đó, ông không từng yêu thích ngành hóa học. Tuy vậy, dưới sự định hướng của giáo sư, ông đã chọn học ngành Hóa tại Trường và từng bước đam mê với môn học này, đặc biệt sau khi ông phát hiện ra mối liên hệ giữa mật độ liên kết electron và các phản ứng hóa học trong hydrocarbons thơm năm 1952.
- Tonegawa Susumu – Giải Nobel Y Sinh năm 1987
Tonegawa Susumu, sinh năm 1939, là nhà khoa học Nhật Bản đã đạt giải Nobel Y Sinh năm 1987 cho những phát hiện về cơ chế di truyền tạo nên sự đa dạng của kháng thể dù ông được đào tạo để trở thành nhà sinh học phân tử. Sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, Tonegawa Susumu tốt nghiệp Đại học Tokyo năm 1963. Tuy vậy, do hạn chế trong đào tạo về sinh học phân tử ở Nhật thời kì đó, Tonegawa Susumu đã quyết định học PhD ở Đại học California ở San Diego (Hoa Kỳ) và nhận bằng tiến sĩ năm 1968. Năm 1981, ông trở thành giáo sư ở Học viện công nghệ Massachusetts và đã được trao giải thưởng Louisa Gross Horwitz bởi Đại học Columbia cho những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực sinh học. Sau khi đạt giải Nobel, ông tập trung nghiên cứu về lĩnh vực khoa học thần kinh với việc khám phá các phân tử và tế bào thần kinh cũng như sự hình thành và suy giảm của trí nhớ.
- Rabindranath Tagore – Giải Nobel Văn học năm 1913
Rabindranath Tagore (1861-1941) là nhà thơ, triết gia, nhạc sĩ, kiêm nhà dân tộc học người Ấn Độ đã đạt giải Nobel Văn học năm 1913 cho tác phẩm Thơ dâng (Gitanjali). Đây cũng là giải Nobel Văn học đầu tiên được trao cho người Châu Á.
Tagore vốn xuất thân từ một gia đình trí thức. Tuy nhiên, ông sớm mồ côi mẹ trong khi cha ông thường xuyên vắng nhà. Ông đến với thi ca khi mới 8 tuổi và bắt đầu phát hành tập thơ của mình năm 16 tuổi. Các tác phẩm của ông đã góp phần thay đổi văn hóa của người Bengal bởi ông đã loại bỏ hình thức cổ điển cứng nhắc trong các tác phẩm của mình và lên tiếng đấu tranh chống lại sự khắt khe về ngôn ngữ trong văn học lúc bấy giờ. Với 52 tập thơ (khoảng hơn 1000 bài) và rất nhiều kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, tiểu luận, Tagore đã để lại cho nhân loại một kho tàng văn học đồ sộ. Trong các tác phẩm của Tagore, sự lạc quan, phong cách trữ tình, và chủ nghĩa tự nhiên là những đặc điểm nổi bật. Vì vậy, các tác phẩm này đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác giả đương thời. Tagore cũng là tác giả của Quốc ca Ấn Độ và Bangladesh.
- Lê Đức Thọ – Giải Nobel Hòa Bình năm 1973 (từ chối nhận giải)
Lê Đức Thọ (1911-1990) tên thật là Phan Đình Khải đã từng được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1973 cùng Henry Kissinger do những đóng góp của ông trong việc đàm phán kí kết Hiệp định Paris 1973. Tuy nhiên, ông đã từ chối nhận giải vì ông cho rằng Việt Nam chưa thực sự hòa bình. Hơn nữa, ông không chấp nhận cùng nhận giải với Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger bởi Mỹ đã xâm lược Việt Nam nên giải Nobel Hòa bình không thể cùng trao cho kẻ xâm lược. Ông cũng là người Châu Á đầu tiên và là người Việt Nam duy nhất được trao giải Nobel Hòa bình dù sau đó ông từ chối nhận.
Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, Lê Đức Thọ tham gia đấu tranh cách mạng và đã từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính quyền như Trưởng ban Tổ chức Trung Ương, Bí thư phụ trách Tư tưởng, Nội chính và Ngoại gia, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, v.v.
- Amartya Sen – Giải Nobel Kinh tế năm 1998
Amartya Sen là nhà kinh tế học người Ấn Độ đã đạt giải Nobel Kinh tế năm 1998 cho những nghiên cứu của ông về kinh tế học phúc lợi. Đây cũng là giải thưởng Nobel về Kinh tế đầu tiên trao cho người Châu Á. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã có những đóng góp to lớn trong các lĩnh vực kinh tế học phúc lợi, lý thuyết về lựa chọn xã hội, công bằng kinh tế và xã hội, các lý thuyết kinh tế về gia đình, lý thuyết về ra quyết định, kinh tế học phát triển, sức khỏe cộng đồng, v.v. Sau nhiều năm công tác ở Châu Âu và đã từng giữ chức Hiệu trưởng Trường Trinity thuộc Đại học Cambrigde, hiện ông là giáo sư trường Đại học Thomas W. Lamont và trường Đại học Harvard.