Site stats Sau khi tốt nghiệp THPT, bạn nên chọn trường nào, nghề gì? – Brain Berries

Sau khi tốt nghiệp THPT, bạn nên chọn trường nào, nghề gì?

Advertisements

Tháng 8/2020 tới, các bạn học sinh THPT sẽ chính thức tốt nghiệp để bắt đầu một hành trình mới trong cuộc đời của mình: lựa chọn trường đại học, cao đẳng, trường nghề và lựa chọn ngành nghề để theo đuổi. Vậy, các bạn nên chọn trường nào, ngành nghề gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Có hai xu hướng chính trong việc lựa chọn trường học và ngành học cho các bạn học sinh đã tốt nghiệp THPT. Mỗi xu hướng có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Quyết định đi theo xu hướng nào tùy thuộc vào việc cân nhắc lợi ích và hạn chế của từng xu hướng của bạn.

Chọn trường “hot”, ngành “hot”

Đa số các bạn học sinh và phụ huynh có xu hướng lựa chọn trường “hot”, ngành “hot” bởi quan niệm rằng tốt nghiệp các trường này và ngành này sẽ có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập tốt trong tương lai. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi mỗi người luôn có xu hướng lựa chọn để tối ưu hóa lợi ích của mình. Vậy ngành “hot” hiện nay ở Việt Nam là những ngành nào? Đó là các ngành Y-Dược, ngành Công nghệ-thông tin, ngành Thiết kế đồ họa, ngành Hành chính thư ký, ngành Nhân sự, Kế Toán, Marketing, ngành Xây dựng, ngành Công nghệ thực phẩm, ngành Kiến trúc sư, và Nghề đầu bếp. Nhu cầu nhân sự của các ngành này lớn, hứa hẹn nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Hơn nữa, những ngành này có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, do vậy, cơ hội nghề nghiệp khá ổn định và lâu dài. Trường “hot” là những trường “top đầu” ở Việt Nam như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Học viện Tài chính, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc Gia, Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ, v.v.

Tuy nhiên, việc lựa chọn dựa trên trường “hot”, ngành “hot” cũng có nhiều hạn chế. Bạn có thể không đam mê những ngành trong danh sách ngành “hot”. Do vậy, dù bạn có thể đủ điều kiện đầu vào, bạn cũng khó có thể thành công như bạn mong muốn bởi sự thành công phụ thuộc vào lòng đam mê của bạn. Trên con đường dài nghề nghiệp mà bạn gắn bó, sẽ có lúc bạn gặp khó khăn, sự đam mê sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn. Ngươc lại, nếu bạn không đam mê nghề, bạn có thể sẽ đầu hàng trước những khó khăn hoặc không/ít tìm thấy niềm vui trong công việc. Khi toàn xã hội lựa chọn ngành “hot”, mức độ cạnh tranh sẽ rất cao và sẽ đến lúc nguồn cung nhân sự lớn hơn nhu cầu. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, bạn có thể không dễ dàng tìm kiếm được công việc như mong muốn do mức độ cạnh tranh gay gắt của ngành. Lựa chọn trường “hot” có thể không phù hợp với tính cách và những đặc điểm cá nhân của bạn, khiến bạn khó có thể hòa đồng với môi trường chung. Thậm chí, bạn có thể sẽ không thành công ở đầu vào khi trong năm 2020, nhiều trường đại học sẽ giảm mạnh xét tuyển dựa trên kết quả tốt nghiệp THPT và tăng thi tuyển theo quy định riêng của Trường. Do vậy, mức độ cạnh tranh của trường “hot” sẽ càng tăng lên do việc tuyển sinh chặt chẽ hơn.

Chọn ngành theo đam mê

Bên cạnh việc chọn ngành theo xu thế xã hội, việc chọn ngành theo đam mê và sở thích cũng là một xu hướng của các bạn học sinh tốt nghiệp THPT. Lựa chọn ngành theo xu hướng này có thể giúp bạn theo đuổi đam mê với nghề. Niềm đam mê sẽ trở thành động lực giúp bạn học tập tốt và thành công trong tương lai trong lĩnh vực của bạn. Niềm đam mê cũng sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn trên con đường nghề nghiệp và giúp bạn tìm thấy hướng đi riêng cho mình.

Tuy nhiên, khi chọn ngành theo đam mê, lĩnh vực của bạn có thể không phải là lĩnh vực “hot” trong xã hội. Do đó, cơ hội nghề nghiệp và mức thu nhập có thể không cao như nhiều ngành nghề “hot” khác. Chắng hạn, bạn thích làm công việc lưu trữ và bạn đang kí học ngành văn thư lưu trữ. Ngành này không phải là ngành “hot” và bạn có thể sẽ khó khăn khi tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp sau tốt nghiệp nếu sức học của bạn không thực sự tốt và bạn thiếu các kĩ năng mềm bổ sung. Do vậy, nếu đam mê của bạn gắn với những nghề nghiệp như vậy, bạn cần trau dồi kiến thức, rèn luyện các kĩ năng mềm, đặc biệt là các kĩ năng có thể sử dụng trong nhiều nghề nghiệp như thuyết tình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, nghiên cứu, phân tích, tiếng Anh, tin học để có thể có cơ hội nghề nghiệp tốt trong tương lai. Bạn hãy luôn tìm kiếm cơ hội, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường để có thể có cơ hội nghề nghiệp tốt sau khi tốt nghiệp. Chẳng hạn, bạn có thể xây dựng hồ sơ nghề nghiệp của mình trên mạng xã hội (LinkedIn), kết nối với nhiều người, v.v. Ngược lại, nếu đam mê của bạn gắn liền với những nghề “hot”, thì điều đó thật tuyệt vời bởi bạn đã kết hợp được lợi thế của cả hai xu thế!

Không rõ nên chọn trường gì, ngành gì

Nếu bạn không có đam mê gì đặc biệt, không rõ thế mạnh của mình, và biết năng lực của mình không thể vào trường “hot”, ngành “hot”, vậy bạn cần làm gì?

Trong trường hợp này, bạn nên cởi mở trò chuyện với cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè để có lời khuyên từ họ. Họ có thể nói cho bạn biết họ đánh giá như thế nào về bạn, họ nhìn thấy điểm mạnh gì ở bạn. Bạn cũng có thể làm các trắc nghiệm tính cách (trên mạng hoặc ở các trung tâm tư vấn nghề nghiệp) để hiểu hơn về mình. Trên cơ sở đó, bạn có thể cân nhắc chọn nghề phù hợp với điểm mạnh của mình. Điều quan trọng là, nếu đã đỗ vào trường Đại học, cao đẳng, hay trường nghề phù hợp với điểm mạnh của mình, bạn nên cố gắng học tập tốt, trau dồi các kĩ năng, bởi khi bạn nỗ lực học tập, bạn sẽ yêu nghề của mình hơn. Điểm mạnh và niềm đam mê được nuôi dưỡng trong quá trình học tập sẽ giúp bạn vững vàng đi trên con đường của mình sau này.