Site stats Chàng trai người Scotland và niềm đam mê nghệ thuật thực địa – Brain Berries

Chàng trai người Scotland và niềm đam mê nghệ thuật thực địa

Advertisements

Có rất nhiều điều để bàn luận khi nói đến nghệ thuật. Nghệ thuật có thể là phù du hay vĩnh hằng. Một số nghệ sĩ chưa bao giờ có được sự công nhận xứng đáng khi họ còn sống, có những người chỉ được hưởng chút danh tiếng, mặt khác, lại có những nghệ sĩ chiếm chọn ánh hào quang và sự may mắn khi trở thành tên tuổi tiếng tăm trong thời đại của mình. Bản thân nghệ thuật cũng ẩn chứa những khung thời gian khác nhau. Một số tác phẩm được coi là tuyệt tác ngay trong chính thời khắc chúng được tạo ra, nhưng lại nhanh chóng rơi vào quên lãng chỉ vài năm sau đó. Lại có những tác phẩm được tìm thấy trong sự cũ kỹ và bụi bặm của thời gian, nhưng lại được trưng bày ở bảo tàng nghệ thuật, nhận được ánh nhìn trầm trồ của người xem đến muôn đời sau.

Rồi không thể không kể đến nghệ thuật trình diễn, loại hình nghệ thuật chỉ tồn tại khi các nghệ sĩ đang biểu diễn và không bao giờ có thể làm lại. Nhưng nghệ thuật thực địa lại là một thứ gì đó rất riêng, rất độc đáo. Bạn không thể đặt tác phẩm nghệ thuật thực địa trong bất cứ chiếc hộp nào, và chỉ có thể thưởng thức khi nó đang tồn tại, hoặc không bao giờ cảm hết được vẻ đẹp của nó.

Jon Foreman là một nghệ sĩ nghệ thuật thực địa sống ở Pembrokeshire, Wales. Anh bắt đầu khám phá nghệ thuật từ khi còn học đại học và ngay lập tức yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Ý tưởng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ các chất liệu thiên nhiên và đắm mình trong hành trình sáng tạo đã lôi cuốn Jon. Anh chủ yếu sáng tạo nghệ thuật từ những hòn đá, hòn sỏi ở bãi biển. May mắn là nơi anh sống có rất nhiều biển với hằng hà sa số đá và sỏi đủ hình dáng và màu sắc, vì vậy anh chẳng bao giờ sợ thiếu nguyên liệu “làm tranh”.

Nhắc đến cảm hứng – Jon nói rằng anh hiếm khi có một hình dung cụ thể ở trong đầu. Anh chỉ đơn giản là đến bãi biển, dành khoảng 4 tiếng ở đó để tạo ra một tác phẩm. Có những lúc anh ra biển với một ý tưởng mơ hồ ở trong đầu, nhưng có lúc anh chẳng có ý tưởng gì cả, chỉ đơn giản là cứ làm và xem mình sẽ đi đến đâu. Tuy đôi lúc anh có những ý tưởng từ trước, nhưng thành quả cuối cũng vẫn khiến anh ngạc nhiên.

Jon chỉ đơn thuần là yêu quá trình tạo ra tác phẩm. Đối với anh, tạo ra những bức điêu khắc bằng đá trên biển giống như quá trình thiền định, nó giúp anh luôn bình tĩnh và tỉnh táo. Anh cũng cảm thấy nó tốt cho sức khỏe tinh thần của mình. Jon yêu thích sự tự do khi chỉ cần làm và tận hưởng quá trình với những ý tưởng ngẫu hứng, không cần theo một kế hoạch hay bất cứ quy tắc nào.

Việc tác phẩm nghệ thuật thực địa không tồn tại mãi mãi chẳng hề làm Jon bận tâm. Anh biết rằng ngày hôm sau thủy triều sẽ cuốn trôi đi tác phẩm mình đã kỳ công tạo ra. Nhưng chẳng sao cả. Điều đó giống như là mẹ thiên nhiên ban tặng cho anh một tấm thảm vẽ tranh mới vậy. Jon nói, sự tồn tại ngắn ngủi của tác phẩm càng khiến nó trở nên đặc biệt đối với anh.

Đôi lúc anh nhận được những ý kiến trái chiều từ một số người, họ cho rằng công việc nghệ thuật của anh có thể gây gián đoạn cuộc sống của những sinh vật sống trên biển. Nhưng điều đó chẳng hề làm Jon dao động. Theo anh, thật là buồn cười và vô lý khi nghĩ rằng việc nhặt sỏi đá trên biển và xếp chúng thành hình khối cụ thể có thể làm đảo lộn thiên nhiên, đặc biệt là khi những hình khối đó có thể bị thủy triều cuốn đi bất cứ lúc nào. Đối với Jon, nghệ thuật thực địa là thứ nghệ thuật thuần khiết nhất, mọi thứ liên quan đến nó đều thuộc về thiên nhiên, từ mặt thảm đến nguyên liệu vẽ tranh, cho tới tác động của tự nhiên lên tác phẩm.