Có hình dạng như một con rắn biển khổng lồ lơ lửng trong lòng đại dương, loài cá có thể khiến nhiều người lo sợ về tai ương khủng khiếp sắp xảy ra mỗi khi chúng trôi dạt vào bờ. Đó cũng là lý do khiến loài cá kỳ lạ này có tên là “cá tận thế”.
Cá tận thế là gì?
Cá tận thế (Regalecus Glesne) là một loại cá dài, dẹt, màu bạc, không có vảy và có vây lưng màu đỏ. Chúng cũng có các đốm đen loang lổ trên cơ thể nhưng sau khi chết, các vết đốm sẽ mờ đi nhanh chóng. Đặc biệt, loài cá này có hình dạng giống mái chèo nên còn được gọi là cá mái chèo. Đây là loài cá có xương dài nhất thế giới, cơ thể có thể dài đến 7,6m và nặng đến 272kg. Dù vậy, giống như nhiều loài khổng lồ dưới nước, cá mái chèo hầu như vô hại. Vì không có răng nên chúng chỉ lọc nước để bắt thức ăn như giáp xác, động vật phù du, mực hoặc sứa nhỏ.
Loài cá này di chuyển bằng cách uốn lượn các vây lưng chạy dọc cơ thể chúng. Chúng thường sống ở vùng chạng vạng biển sâu, từ 200 đến 1.000 mét dưới đại dương. Vì sống ở vùng nước tối tăm, cá mái chèo có đôi mắt to để có thể thích nghi và có thể nhìn thấy trong bóng tối. Đôi mắt chúng cũng tạo ra ánh sáng phát quang sinh học để thu hút con mồi.
Vì cá mái chèo sống rất sâu dưới đại dương, trong một khu vực mà ánh sáng từ bề mặt gần như không chạm tới, nên chúng hiếm khi được nhìn thấy. Đó cũng là lý do mà mỗi khi xuất hiện, cá mái chèo đều gây chú ý với vẻ ngoài kỳ lạ, chiều dài đặc biệt và toàn thân sáng bóng như dải ruy băng khổng lồ trong nước.
Tại sao lại gọi là cá tận thế?
Dù không phải là mối nguy hiểm trực tiếp đối với ngư dân nhưng cá mái chèo lại được xem là điềm báo của tai ương. Nhiều người cho rằng, thân hình kỳ lạ và kích thước khổng lồ của cá mái chèo có thể khiến nó trở thành nguồn cảm hứng cho những câu chuyện dân gian về quái vật đại dương.
Trong văn hóa Nhật Bản, sinh vật khổng lồ này được ghi lại là “ryugu no tsukai”, tức sứ giả từ cung điện của thần biển. Thuật ngữ này ám chỉ rằng cá mái chèo sẽ di chuyển lên từ biển sâu như một lời cảnh báo cho con người khi động đất sắp xảy ra. Đó là lý do khiến cá mái chèo được gọi là Harbinger of Doom, Doomsday Fish – tức cá tận thế.
Cách đây khoảng 14 năm, 20 con cá mái chèo chết bất ngờ trôi dạt trên các bãi biển ở Nhật Bản và chỉ vài tháng sau đó, một trận động đất đã xảy ra đã khiến gần 20.000 người thiệt mạng và kéo theo một vụ tai nạn hạt nhân khét tiếng tại nhà máy điện Fukushima. Sau đó bảy năm, chỉ vài ngày trước trận động đất mạnh 6,7 độ richter ở phía nam Philippines khiến 6 người chết, 6 con cá mái chèo cũng trôi dạt vào bờ biển của đảo quốc này. Gần đây nhất, những người lặn biển đã tìm thấy 1 con cá mái chèo ở California (Mỹ) và trận động đất ở khu vực này đã được ghi nhận chỉ 2 ngày sau đó.
Các nhà khoa học nói gì?
Bất chấp các sự kiện kỳ lạ này, các nhà khoa học tin rằng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên và hiện không có bằng chứng nào chứng minh mối liên hệ giữa việc nhìn thấy cá mái chèo và động đất. Thực tế, hồi đầu năm nay, một con cá mái chèo dài hơn 3,5m còn sống đã được tìm thấy trên một bãi biển ở Philippines. Tuy nhiên, với nhiều vết cắt xẻ trên cơ thể, con cá chết ngay khi được phát hiện, khiến những người đánh cá hoảng sợ. May mắn thay, thời điểm này, không có tai họa nào liên quan đến sự kiện này.
Hiroyuki Motomura, giáo sư ngành ngư học tại Đại học Kagoshima (Nhật Bản) cũng nhận định: “Không có bằng chứng khoa học nào về mối liên hệ giữa cá mái chèo và động đất. Vì vậy, tôi nghĩ mọi người không cần phải lo lắng. Tôi tin những con cá này nổi lên theo dòng nước khi tình trạng thể chất của chúng kém. Đó là lý do tại sao chúng thường chết ngay khi được tìm thấy”.
Ngoài ra, thuyết động đất cho rằng vì cá mái chèo sống rất gần đáy đại dương nên chúng có thể cảm nhận được thay đổi địa chấn và hoảng loạn lao lên mặt nước. Tuy nhiên, các báo cáo khoa học chia sẻ, nơi ghi nhận các hoạt động địa chấn là đáy đại dương. Trong khi khu vực cá mái chèo sinh sống là vùng trung lưu, cách rất xa đáy đại dương. Do đó, khó để chứng minh rằng cá mái chèo có liên quan đến thảm họa thiên nhiên. Hiện tượng cá mái chèo nổi lên có thể do bị dòng nước mạnh đẩy lên mặt nước. Ngoài ra, cá mái chèo rất dễ bị thương tích nghiêm trọng do xoáy nước mạnh. Đây là lời giải thích cho nghi vấn tại sao hầu hết cá mái chèo được tìm thấy thường đã chết hoặc sắp chết với nhiều thương tích trên mình.