Chẳng hề sai khi nói một lực lượng lao động có trình độ sẽ giúp tạo dựng sự ổn định kinh tế và duy trì mức sống cao cho một quốc gia. Nếu thế hệ tiếp theo được trang bị đầy đủ các kỹ năng đọc hiểu, tính toán, nghiên cứu khoa học thì chắc chắn chúng sẽ cạnh tranh tốt hơn trong thời đại bùng nổ kỹ thuật số như ngày nay. Với tư duy này, chúng tôi đã thu thập dữ liệu từ Trung Tâm Nghiên cứu Quốc gia về Giáo dục và Kinh tế (NCEE) để lập ra một danh sách các nước hiện có hệ thống giáo dục bậc trung học tốt nhất thế giới. Bạn tin rằng mình thông minh hơn một đứa trẻ học lớp 10 phải không? Còn chúng tôi thì sẽ chưa vội tin đâu, trừ khi bạn đến từ 1 trong 10 nước dưới đây.
10. New Zealand
New Zealand có thể không được xếp hạng cao như một số quốc gia khác, nhưng họ vẫn lọt vào danh sách này do đã có sự cải thiện rõ rệt về thành tích. Ví dụ, từ 2012 đến 2015, họ đã thăng hạng từ thứ 13 lên thứ 10 về kỹ năng đọc hiểu, từ thứ 18 lên thứ 12 về khoa học và từ thứ 23 lên thứ 21 về toán học. Trong những năm gần đây, chính phủ New Zealand đã tiến hành các biện pháp cải cách quan trọng, tập trung vào việc phát triển định hướng nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên cũng như khuyến khích hợp tác quốc tế. Ngoài lề chút, có một sự thật thú vị là: ở New Zealand, dân số cừu còn nhiều hơn người với tỷ lệ cứ 8 con cừu mới có 1 người. Dù số liệu này hoàn toàn chẳng liên quan gì đến chủ đề chúng ta đang bàn, nhưng bạn cũng thấy con số này thật ấn tượng phải không?
9. Hà Lan
Phải nói rằng Hà Lan hiện đang sở hữu cho mình một hệ thống giáo dục có 1 không 2. Ví dụ, bất kỳ cá nhân hay tổ chức tư nhân, công cộng hay tôn giáo nào cũng được phép mở trường học của mình và đều nhận được mức trợ cấp như nhau. Họ thậm chí có toàn quyền tự chủ trong quy trình tuyển dụng và được tự do phát triển chương trình giảng dạy riêng biệt cho cơ sở giáo dục của mình. Miễn là họ đáp ứng được các yêu cầu của chính quyền và đưa vào giảng dạy một số môn học bắt buộc. Nền giáo dục của Hà Lan là phổ cập và miễn phí cho trẻ em từ tuổi lên 4. Những chính sách này đã đem lại hiệu quả không ngờ: học sinh ở đây xếp thứ 11 thế giới về toán học và xếp thứ 15 về đọc hiểu và khoa học.
8. Estonia
Tuy rằng Estonia từng có rất nhiều vấn đề phải bận tâm từ khi tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991, thật khó tin rằng hệ thống giáo dục của họ không những ngang bằng với các nước công nghiệp khác mà trong nhiều trường hợp còn tốt hơn. So với các nước khác trong khối EU, Estonia đứng đầu về khoa học, đứng nhì về toán học và đứng thứ 3 về đọc hiểu. Một yếu tố quan trọng đã góp phần giúp nền kinh tế Estonia phát triển gấp 10 lần kể từ khi giành được độc lập là họ đặc biệt tập trung vào giáo dục thế hệ trẻ về các lĩnh vực yêu cầu tay nghề và công nghệ cao. Kết quả là, đất nước này đã trở thành một trung tâm công nghệ thông tin của thế giới.
7. Canada
Người Canada có thể có chất giọng hơi kỳ một chút, nhưng con cái họ lại rất thông minh, theo số liệu mới đây thì trẻ em nơi đây xếp thứ 2 thế giới về đọc hiểu, thứ 7 về khoa học và thứ 10 về toán học. Thành công này xuất phát phần lớn là từ sự phân cấp trong hệ thống giáo dục, trong đó chính quyền tại 10 tỉnh và 3 vùng lãnh thổ tự chịu trách nhiệm xây dựng chương trình giảng dạy và quyết định chế tài ưu tiên trong giáo dục phù hợp nhất với cư dân của mỗi vùng. Một điều khá thú vị về thành tích học tập của các học sinh tại Canada là bạn sẽ không thấy sự chênh lệch quá lớn về điểm số giữa các thành phần sắc tộc, chủng tộc hoặc điều kiện kinh tế xã hội khác nhau. Điều này là hoàn toàn trái ngược với các nước láng giềng của họ ở phía nam.
6. Phần Lan
Hệ thống giáo dục Phần Lan vốn đã có danh tiếng từ lâu và Bộ Giáo dục của nước này thậm chí đã lập ra một cơ quan chuyên trách với chức năng duy nhất là để giúp cho người ngoại quốc quan tâm đến vấn đề hiểu cách thức họ làm việc. Học sinh Phần Lan xếp thứ 4 về đọc hiểu, thứ 5 về khoa học và thứ 13 về toán học. Mặc dù chưa thể tìm ra lời giải cho thành công của Phần Lan, nhưng chúng ta đều biết rõ rằng họ đầu tư rất lớn cho đội ngũ giáo viên và người dân thì đặt trọn niềm tin vào hệ thống trường học. Tất cả trường học đều tuân theo một chương trình giảng dạy quốc gia chung, như vậy mỗi khi chính phủ muốn cải thiện chất lượng đầu ra của giáo dục thì việc điều chỉnh hoặc sửa đổi chính sách trên quy mô lớn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
5. Hàn Quốc
Trong nửa đầu thế kỷ 20, khi Hàn Quốc vẫn còn nằm dưới ách thống trị của Nhật Bản, người Hàn Quốc đã không được học trung học. Kết quả là 80% dân số mù chữ và khi giành được độc lập sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, Hàn Quốc không có một giáo viên nào vì không ai có đủ trình độ học vấn để đảm nhiệm công việc. Chiến tranh Nam – Bắc Triều Tiên sau đó chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Nhưng đến giữa những năm 60, nạn mù chữ trên thực tế đã được đẩy lùi và Hàn Quốc bắt đầu nổi lên thành 1 cường quốc kinh tế như ngày nay. Học sinh Hàn Quốc xếp hạng 7 về toán học và đọc hiểu, xếp hạng 11 về khoa học. Thêm vào đó, Hàn Quốc đạt tỷ lệ 98% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, cao nhất thế giới.
4. Nhật Bản
Vì người Nhật vốn nổi tiếng chăm chỉ và có nhiều thành tích nên không có gì bất ngờ khi họ cũng lọt vào danh sách này. Mặc dù đạt thứ hạng khá ấn tượng: xếp thứ 2 trên thế giới về khoa học và thứ 5 về toán học, nhưng với bản tính cầu toàn có lẽ họ vẫn sẽ thấy xấu hổ và không hài lòng. Một trong những lý do giúp họ đạt được thành tựu như vậy là vì học sinh được dạy rằng chỉ nhớ thông tin thôi là chưa đủ. Chương trình học tập trung nhiều vào việc dạy cho trẻ những kỹ năng giải quyết vấn đề và làm thế nào để áp dụng những gì đã học vào thực tế.
3. Đài Loan
Đài Loan, hay Trung Hoa Dân Quốc, và Trung Quốc, hay CHDCND Trung Hoa, có 1 mối quan hệ khá phức tạp. Cuộc nội chiến xảy ra hậu Thế chiến 2 đã đưa chủ nghĩa cộng sản vào đại lục và những kẻ thua cuộc đã phải tháo chạy tới đảo Đài Loan. Ngày nay cả 2 bên đều tuyên bố là chính phủ hợp pháp của người dân Trung Quốc. Về kinh tế, Đài Loan đang phát triển lớn mạnh, với ngành công nghiệp chủ đạo chú trọng đến công nghệ. Học sinh Đài Loan xếp thứ 4 thế giới về khoa học và toán học, và xếp thứ 23 về đọc hiểu.
2. Hồng Kông
Kể từ khi tái hợp nhất vào Trung Quốc năm 1997, Hồng Kông vẫn luôn duy trì chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. Một trong những khác biệt của Hồng Kông so với Trung Quốc đại lục là người dân nơi đây tin rằng chính phủ nên hạn chế can thiệp vào nhà trường. Ngoài ra, thay vì tập trung vào việc ghi nhớ theo kiểu học vẹt, người Hồng Kông được học cách áp dụng kiến thức và thể hiện khả năng của mình trong thực tế và giúp phát triển nền kinh tế dựa trên nền tảng tài chính tốt và công nghệ cao. Học sinh tại đây xếp thứ 2 thế giới về đọc hiểu và toán học, và xếp thứ 9 về khoa học.
1. Singapore
50 năm trước, Singapore chỉ là 1 vùng trũng kinh tế, không có nền công nghiệp và phần lớn người dân bị mù chữ. Ngày nay, họ là 1 trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới và một phần không nhỏ có được là từ nền giáo dục chất lượng cao. Bộ Giáo dục của họ chịu trách nhiệm đào tạo đội ngũ giáo viên và hoàn thiện chương trình giảng dạy quốc gia, và những người đứng đầu ngành tại địa phương nguyên là các hiệu trưởng vốn là những chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Mặc dù Singapore đặt ra các tiêu chuẩn học tập vô cùng khắt khe, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học vẫn đặc biệt cao: 96,7%. Vậy nên không có gì đáng ngạc nhiên khi học sinh Singapore xếp thứ nhất cả về đọc hiểu, toán học và khoa học.