Site stats 8 linh vật tiêu biểu trong văn hóa Việt Nam – Brain Berries

8 linh vật tiêu biểu trong văn hóa Việt Nam

Advertisements

Việt Nam là nước nông nghiệp lúa nước với nền văn hóa lâu đời, phong phú, và đa dạng với sự đóng góp nhiều sắc màu văn hóa của 54 dân tộc cùng chung sống trên dải đất hình chữ S. Trong suốt lịch sử phát triển của văn hóa Việt, bên cạnh việc tạo ra những nét đẹp văn hóa ở tất cả các khía cạnh của đời sống như nghệ thuật, kiến trúc, văn chương, văn hóa làng xã, v.v., nhân dân cũng đồng thời gửi gắm những ước vọng của mình vào hình tượng các sinh vật huyền thoại, biến chúng trở thành những linh vật của Văn hóa Việt Nam. Hãy cùng tìm hiểu về 8 linh vật trong văn hóa Việt Nam nhé.

Rồng (Long)

Việt Nam có truyền thuyết con Rồng cháu Tiên với ý nghĩa ngợi ca cội nguồn của người Việt với những phẩm chất tốt đẹp như sức mạnh, sự dũng cảm, cao thượng, nhưng cũng rất nhân văn. Chính vì vậy, hình tượng con Rồng (Long) được xem là hình tượng cao quý nhất trong bộ tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng của văn hóa Việt. Tuy nhiều quốc gia Châu Á cũng có linh vật rồng, nhưng linh vật Rồng trong văn hóa Việt Nam có nhiều nét đặc trưng riêng. Linh vật này được tạo ra như một sự kết hợp của rất nhiều loài khác nhau như hổ (đầu, bàn chân), hươu (sừng), chim ưng (móng), cá chép (vây), rắn (cổ và thân). Thân rồng uốn lượn với 12 khúc tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Sự linh hoạt và mềm mại của thân rồng biểu tượng cho sự linh hoạt, khả năng biến hóa và thay đổi của người Việt để thích ứng với điều kiện tự nhiên. Rồng Việt thường ngậm viên châu, tượng trưng cho tri thức và tinh thần nhân văn, đầu rồng hướng lên như biểu tượng của ý thức tự tôn dân tộc.

Kỳ Lân (Lân)

Kỳ Lân thực chất là một cặp bởi Kỳ là con đực và Lân là con cái. Linh vật này được xếp ở vị trí thứ hai trong tứ linh của người Việt, biểu tượng cho nhân từ, bình an, sự thông thái, trường thọ, hạnh phúc, và may mắn. Trong tâm thức của người Việt, Kì Lân có một chiếc sừng giữa trán. Linh vật này được tạo nên bởi sự kết hợp của nhiều con vật – Sư Tử (Mũi), Lạc đà (trán), Chó (tai), Ngựa (thân), Hươu (chân), Nai (sừng), Bò (đuôi), v.v.

Rùa (Quy)

Với đặc tính sống lâu, Rùa trở thành linh vật biểu tượng cho sự trường thọ và bền vững trong văn hóa Việt Nam. Do vậy, hình tượng Rùa đội bia tiến sĩ trong Văn miếu Quốc tử giám tượng trưng cho sự khắc ghi đời đời các trạng nguyên của đất nước. Bên cạnh đó, với chiếc mai tròn trên lưng và chiếc mai phẳng ở dưới, Rùa còn được xem là biểu tượng của sự cân bằng âm dương với mai vòm tượng trưng cho bầu trời, đường rãnh trên mai tượng trưng cho chòm sao Đại Hùng và mai phẳng và đường rãnh trên mai này tượng trưng cho mặt đất.

Phượng Hoàng (Phụng)

Giống như Kỳ Lân, Phượng Hoàng thực ra là một cặp. Trong đó, Phượng nghĩa là chim phượng trống còn Hoàng là con chim mái. Chim Phượng được xem là vua của các loài chim với 5 màu lông biểu trưng cho 5 đức tính cần thiết của mỗi người – trung trực, thiện lương, công bằng, chung thủy, và độ lượng. Sự xuất hiện của chim Phượng thường gắn với điềm lành của quốc gia như sự ra đời hoặc lên ngôi của vua hiền, sự xuất hiện của bậc thánh nhân, sự thái bình của một chế độ. Tiếng hót của chim phượng được cho là có 5 biến điệu diệu kì như lời chúc mừng cho điềm lành của một đất nước.

Nghê

Được xem như một hóa thân từ con chó, người bạn gần gũi với mỗi người dân Việt Nam, Nghê là một linh vật thuần Việt. Người Việt tin rằng, Nghê có thể canh giữ, bảo vệ con người khỏi tà mà và các thế lực tâm linh khác. Nghê thường được chế tác theo đôi và đứng chầu ở các ngôi đình cổ ở Việt Nam.

Hổ

Ở Việt Nam, hổ được gọi là “Chúa tể sơn lâm” với ý nghĩa biểu tượng cho sức mạnh và uy quyền. Chính vì vậy, trong các công trình kiến trúc cổ và các miếu, tượng Hổ thường được đặt để trấn giữ. Bên cạnh đó, bàn thờ Ngũ Hổ thường được đặt ở trong các điện thờ Mẫu. Năm màu của hổ bao gồm vàng, xanh, trắng, đỏ, đen được xem là biểu tượng của Ngũ Hành.

Cá sấu

Trong văn hóa Việt Nam, cá sấu có nhiều ý nghĩa. Đối với người dân miền sông nước, cá Sấu tượng trưng cho sự trù phú và sức mạnh. Cá sấu cũng được xem như thần sông đối với người dân miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, cá sấu cũng tượng trưng cho các thế lực thiên nhiên mà con người mong muốn chinh phục.

Voi

Ở Việt Nam, Phật giáo là một trong 3 tôn giáo phổ biến. Chính vì vậy, voi cũng được xem là một linh vật bởi nó tượng trưng cho sức mạnh của tâm thức trong đạo Phật. Voi cũng tượng trưng cho sự cẩn thận, khôn ngoan, và thận trọng. Đối với người dân Tây Nguyên, voi là biểu tượng của sức mạnh và sự giàu có. Hình tượng voi cũng gắn liền với hình ảnh những chiến binh xông pha ra trận cùng người Việt trong các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.