Nếu bạn đã từng mất kiên nhẫn vì tắc đường ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, hãy bình tĩnh trở lại. Có nhiều thành phố trên thế giới còn có tình trạng giao thông “kinh hoàng” hơn rất nhiều. Theo đánh giá về chỉ số đông đúc Tomtom, những thành phố dưới đây có chỉ số đông đúc lớn hơn 50% và cao nhất là 71%, nghĩa là người lưu hành giao thông cần thêm 50%-71% thời gian trên đường so với bình thường do tắc đường.
Bengaluru (Ấn Độ)
Thành phố Bengaluru hay còn gọi là Bangalore tọa lạc ở miền Nam Ấn Độ và là thành phố trung tâm của bang Karnataka trên cao nguyên Deccan. Với số lượng dân số nội thành gần 9 triệu người, thành phố này thường xuyên tắc đường. Theo đánh giá về chỉ số đông đúc Tomtom, thành phố này có chỉ số đông đúc là 71% và xếp hạng nhất trong danh sách những thành phố có tình trạng giao thông quá tải nhất trên thế giới năm 2019.
Manila (Philippines)
Thành phố Manila là thủ đô của đất nước nổi tiếng với nhiều cơn bão nhiệt đới – Philippines. Thành phố này có mật độ dân cư đông đúc với khoảng hơn 40,000 người/1km2. Chỉ số đông đúc của thành phố này cũng tương đương thành phố Bengaluru với 71%. Năm 2019, đã có bệnh nhân chết vì tắc đường ở thành phố này khi xe cứu thương mất gấp đôi thời gian để có thể vượt qua biển người đông đúc trên đường vào bệnh viện.
Bogota (Colombia)
Thành phố này là thủ đô của Colombia, nằm trên cao nguyên trảng cỏ Bogota. Botaga có mật độ dân số khoảng hơn 5000 người/1km2 vào năm 2010. Là một trung tâm kinh tế, công nghiệp của Colombia và thủ phủ hành chính của vùng Cundinamarca, Bogota cũng nổi tiếng vì tắc đường. Chỉ số đông đúc của thành phố này là 68% năm 2019, cao hơn 5% so với năm trước đó.
Mumbai (Ấn Độ)
Mumbai, trước đây có tên là Bombay, là thành phố đông dân nhất đất nước đứng thứ hai thế giới về dân số – Ấn Độ. Thành phố này tọa lạc trên đảo Salsette và đã trở thành trung tâm thương mại, tài chính và giải trí quan trọng của Ấn Độ. Thành phố cũng là điểm đến yêu thích của dân nhập cư từ các vùng khác của đất nước do cơ hội kinh doanh rộng mở, nhiều việc làm và thu nhập tốt. Chính vì vậy, thành phố này cũng là một trong những thành phố có tình trạng giao thông tồi tệ nhất thế giới. Chỉ số đông đúc của thành phố là 65% trong năm 2019.
Pune (Ấn Độ)
Pune – thủ đô văn hóa của Maharashtra – là thành phố đông dân thứ bảy của Ấn Độ. Cùng vị trí trên cao nguyên Decca giống Bengaluru nhưng Pune nằm về phía bên phải của sông Mutha. Thành phố này được đánh giá là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương với dân số lên tới hơn 5 triệu người ở vùng đô thị. Do sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trong quá trình đô thị hóa, giao thông của thành phố này cũng là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân. Chỉ số đông đúc của thành phố năm 2019 là 59%.
Khu vực thủ đô Moscow
Moscow (Mát-xơ-cơ-va) là thủ đô của đất nước bạch dương – CHLB Nga. Với khoảng hơn 20 triệu dân ở khu vực thủ đô, Moscow là một trong những thành phố đông dân nhất trên thế giới. Năm 2019, chỉ số đông đúc của Khu vực thủ đô Moscow là 59%, tăng 3% so với năm trước đó.
Lima (Peru)
Thủ đô Lima, trung tâm tài chính, công nghiệp, văn hóa và giao thông của Peru cũng là một trong những thành phố chịu những ám ảnh “kinh hoàng” của tình trạng giao thông đông đúc. Thành phố này nằm ở vùng thung lũng bao quanh bởi cửa ba con sông – Chillón, Lurín, và Rímac với dân số đông đúc chiếm tới gần 75% dân số của Peru. Do sự phát triển mạnh mẽ của thủ đô Lima và quá trình đô thị hóa, trong những năm vừa qua, dân số Lima không ngừng tăng lên, gây nên tình trạng quá tải về giao thông. Năm 2019, chỉ số đông đúc của Lima là 57%.
New Delhi
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ là trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất khu vực miền Bắc của quốc gia được mệnh danh là chiếc nôi của những tôn giáo lớn này. Với dân số khoảng gần 250,000 người nhưng với diện tích nhỏ (khoảng hơn 40km2), mật độ dân số ở New Delhi khá cao (khoảng gần 6,000 người/1km2). Năm 2019, chỉ số đông đúc của New Delhi là 56%, cao thứ 8 trên thế giới (tuy đã giảm khoảng 2% so với năm trước). Thành phố này cũng được biết đến là một trong những thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới do khí thải giao thông, khói cháy rừng và bẫy nghịch nhiệt của khí hậu vào mùa đông.
Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)
Istanbul là thủ đô và là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa và lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ, nằm trên con đường tơ lụa, nối liền châu Âu và Châu Á. Thành phố có khoảng hơn 14 triệu dân và là một trong những thành phố đông dân nhất trên thế giới. Năm 2019, chỉ số đông đúc của Istanbul là 55%, tăng 2% so với trước đó.
Jakarta (Indonesia)
Thủ đô Jakarta của Indonesia, nằm ở phía tây bắc của đảo Java, xếp thứ 10 về tình trạng giao thông đông đúc trên thế giới năm 2019. Thành phố này có khoảng 9 triệu người với mật độ vùng trung tâm vào khoảng gần 19,000 người/1km2. Với tỷ lệ tăng dân số cao và vị trí chiến lược quốc gia về kinh tế, văn hóa và giải trí, thủ đô Jakarta cũng có mật độ giao thông “khủng khiếp” với chỉ số đông đúc năm 2019 là 53%.
Bên cạnh 10 thành phố có tình trạng giao thông đông đúc nhất trên thế giới như đã nêu, rất nhiều thành phố khác cũng đang trong tình trạng giao thông “quá tải” như
Bangkok (Thái Lan), Kyiv (Ukraine), Mexico (Mexcio), Bucharest (Romania), Recife (Brazil), v.v. với chỉ số đông đúc lớn hơn 50% trong năm 2019.